Thụy Sĩ là một thị trường nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
CôngThương - Năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 3,569 tỷ USD (3,159 tỷ CHF), tăng 16,9%, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 3,261 tỷ USD (2,886 tỷ CHF), tăng 34,65%; nhập khẩu 308,7 triệu USD (273,2 triệu CHF), giảm 51,21% so với cùng kỳ năm 2009.
Điều đáng chú ý , trong tổng giá trị xuất khẩu năm 2010 của Việt Nam, vàng và đá quý chiếm tới89,7%. Ngoài ra là các sản phẩm gồm thủy sản, chè, cà phê, đồ nhựa, hàng da, dệt may, giầy dép, sành sứ, đồ gỗ, chi tiết máy và phụ tùng cơ khí.... Tuy nhiên, giá trị và thị phần các sản phẩm này còn rất khiêm tốn, năm 2010 chỉ đạt 308 triệu USD. Nếu trừ vàng và đá quý thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Thụy sĩ năm 2010 đạt 616,7 triệu USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Thụy Sĩ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Thụy Sĩ 4 tháng đầu năm 2011 đạt228,320 triệu USD (202,053 triệu CHF), giảm 1,5% , trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 154 triệu USD (136 triệu CHF), tăng 19,1% ; nhập khẩu 83,083 triệu USD (73,525 triệu CHF), giảm 38,3 % so với cùng kỳ năm 2010.
Hiện nay do đồng CHF tăng giá, nên các doanh nghiệp Thụy Sĩ đã và đang có kế hoạch cắt giảm chi phí sản xuất, chuyển một phần hay bộ phận dây chuyền sản xuất hoặc đặt gia công tại nước ngoài, nơi có nguồn nhân công, vật tư nguyên, nhiên liệu rẻ hơn, giảm thiểu thiệt hại do đồng Frank tăng giá, đồng thời tăng tính cạnh tranh của sản phẩm mang thương hiệu Thụy sĩ... Đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh, thâm nhập thị trường Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm hàng năm tại Thụy Sĩ để tìm kiếm đối tác.
Lương Mạnh Hùng
(Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Sĩ)