Ấn Độ: Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hoa hồi Việt Nam Xuất khẩu dầu thô của Nga tăng mạnh, chạm mốc 1,6 tỷ USD/tuần Trung Quốc sẽ tăng hạn ngạch nhập khẩu dầu thô 5,14 triệu thùng/ngày |
Ấn Độ đang chứng kiến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên trong nửa đầu năm tài chính 2025, khi sự chênh lệch giữa sản lượng trong nước và nhu cầu tiêu dùng tiếp tục mở rộng.
Theo dữ liệu mới nhất từ Phòng Kế hoạch và Phân tích dầu mỏ (PPAC) thuộc Bộ Dầu mỏ Ấn Độ, tỷ lệ phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu đã tăng lên 88,2% từ mức 87,6% cùng kỳ năm trước và 87,8% trong cả năm tài chính 2023-24. Đối với khí đốt tự nhiên, mức phụ thuộc nhập khẩu đạt 51,5% trong 6 tháng đầu năm tài chính, so với 46,8% cùng kỳ năm trước.
Sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu năng lượng đã đẩy mạnh nhập khẩu dầu và khí đốt của Ấn Độ. Trong khi năm tài chính 2021 có sự suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu dầu nhập khẩu sau đó liên tục tăng, đạt 87,8% vào năm 2024; 87,4% vào năm 2023 và tiếp tục tăng kể từ năm 2019. Phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu thô khiến nền kinh tế Ấn Độ chịu tác động mạnh từ biến động giá dầu toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến thâm hụt thương mại, dự trữ ngoại hối, tỷ giá đồng rupee và lạm phát.
Chính phủ Ấn Độ đã đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô nhưng sản lượng trong nước chưa theo kịp với nhu cầu. Đặc biệt, từ đầu năm 2015, Chính phủ đề ra mục tiêu giảm sự phụ thuộc nhập khẩu dầu xuống còn 67% vào năm 2022 từ mức 77% của giai đoạn 2013-14, nhưng đến nay tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng.
Nhu cầu năng lượng tăng cao đẩy Ấn Độ vào thế phụ thuộc lớn vào nhập khẩu dầu và khí đốt, gây áp lực lên kinh tế và buộc Chính phủ tìm giải pháp lâu dài |
Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng đang thúc đẩy phát triển khí đốt tự nhiên, nhằm tăng tỷ lệ tiêu thụ khí đốt trong cơ cấu năng lượng từ hơn 6% hiện nay lên 15% vào năm 2030. Mặc dù sẽ phải tăng nhập khẩu, Chính phủ Ấn Độ vẫn ưu tiên phát triển khí đốt bởi đây là loại nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn dầu và than, đồng thời có giá thành thấp hơn. Khí đốt cũng được xem là nguồn năng lượng chuyển tiếp quan trọng, hỗ trợ Ấn Độ tiến tới nền kinh tế xanh và bền vững.
Chính phủ Ấn Độ đã triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, song kết quả vẫn còn hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm tài chính 2025, Ấn Độ nhập khẩu 120,5 triệu tấn dầu thô, tăng so với 115,9 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị nhập khẩu dầu thô của nước này trong nửa đầu năm đã tăng gần 12% lên 71,3 tỷ USD. Nhập khẩu khí đốt tự nhiên cũng tăng 23%, lên 18,98 tỷ m3, với chi phí 7,7 tỷ USD.
Ngoài ra, Ấn Độ đã thúc đẩy phát triển phương tiện di chuyển bằng điện, sử dụng nhiên liệu sinh học và các nguồn năng lượng thay thế để giảm phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Từ tháng 4 đến tháng 9, tổng mức tiêu thụ sản phẩm dầu mỏ trong nước của Ấn Độ là 117,7 triệu tấn, trong đó chỉ có 13,8 triệu tấn từ nguồn sản xuất trong nước. Điều này cho thấy tỷ lệ tự cung cấp của quốc gia chỉ ở mức 11,8%.
Theo các nhà phân tích, việc giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng là bài toán cấp bách đối với Ấn Độ. Trong khi các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo và sản xuất nội địa đang được triển khai, nhu cầu năng lượng tăng cao cùng với áp lực chi phí nhập khẩu đang đòi hỏi chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ và đột phá hơn trong thời gian tới.