EU đề cao tính minh bạch trong mua sắm công
Nguyên tắc công khai và minh bạch trong mua sắm công phải được thực hiện trong toàn bộ quy trình mua sắm, từ giai đoạn tiền đấu thầu đến trao hợp đồng, bảo đảm mọi nhà thầu đều bình đẳng và có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận thông tin, tránh tình trạng bên mời thầu che đậy thông tin nhằm hạn chế số nhà thầu hoặc thiên vị nhà thầu nào đó trong việc tiếp cận thông tin.
Đối với Liên minh châu Âu (EU), sự minh bạch trong mua sắm công được bảo đảm thông qua việc đăng tải thông tin: Thông báo kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu và thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu trên tờ phụ trương về mua sắm công của EU (OJ) và trên trang đấu thầu điện tử TED (phiên bản điện tử của OJ). Quy định này áp dụng với tất cả hợp đồng có giá trị trên 5,225 triệu Eur đối với hợp đồng xây lắp, 209 nghìn Eur đối với hợp đồng mua sắm hàng hóa và dịch vụ.
OJ được xuất bản lần đầu vào ngày 30/12/1952 với 2 sêri chính là sêri L (bao gồm thông tin về các văn bản quy phạm pháp luật của EU) và sêri C (cung cấp các báo cáo, thông báo, phán quyết của tòa án như Tòa án Công lý châu Âu và Tòa sơ thẩm). Ngoài ra còn sêri S, bao gồm các thông báo mời thầu và các thông tin khác liên quan đến quy định mua sắm công của EU.
Đối với các thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, việc công khai giá trúng thầu sẽ là thông điệp phản ánh mặt bằng giá cả trên thị trường. Vì vậy, bất kỳ sự bất thường nào về giá trúng thầu, như giá quá cao hoặc quá thấp, cũng có thể gây nghi ngờ về khả năng thực thi và tính hiệu quả của dự án.
Công ty đường sắt Virgin Train của Anh đã từng khiếu nại kết quả đấu thầu liên quan đến hợp đồng vận hành khai thác tuyến đường sắt West Coast. Là 1 trong 4 nhà thầu tham gia đấu thầu hợp đồng nói trên, Virgin Train không trúng thầu do giá dự thầu thấp hơn gần 1 tỷ Bảng so với giá dự thầu của Công ty First West Coast – doanh nghiệp trúng thầu. Virgin Train đã gửi đơn khiếu nại lên chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải Anh (DfT) với lý do mức tăng trưởng hành khách và doanh thu mà First West Coast đưa ra là không khả thi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong khi khoản dự phòng mà công ty này đưa ra lại quá thấp so với mức độ rủi ro của dự án. Sau khi xem xét lại, DfT đã phải thừa nhận sai sót ngay từ khâu lập hồ sơ mời thầu và tuyên bố hủy kết quả đấu thầu nói trên, đồng thời chấp nhận khoản tiền bồi thường 40 triệu Bảng cho các nhà thầu đã tham gia đấu thầu hợp đồng này.
Theo báo cáo đánh giá mua sắm công được EU thực hiện lần đầu năm 2012, sự minh bạch trong mua sắm công của khối đã liên tục được nâng cao qua việc thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật.
Pháp luật Việt Nam cơ bản tương thích với các cam kết
Pháp luật về mua sắm công của Việt Nam chủ yếu thuộc hệ thống pháp luật đấu thầu. Trong lĩnh vực mua sắm công, cho đến nay, chúng ta chưa bị ràng buộc bởi bất kỳ một cam kết quốc tế có hiệu lực nào. Tuy nhiên, kết quả rà soát chi tiết pháp luật Việt Nam với các cam kết trong Hiệp định EVFTA về mua sắm công do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, pháp luật đấu thầu Việt Nam đã tương thích với phần lớn các cam kết.
Điều này theo lý giải của các chuyên gia là hoàn toàn hợp lý và có thể giải thích được bởi lẽ: Trước tiên, các cam kết lời văn của Chương Mua sắm công trong EVFTA được xây dựng hoàn toàn dựa theo Hiệp định về mua sắm công của WTO (GPA), và vì vậy không mới với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã là quan sát viên của Hiệp định này từ giai đoạn đầu tiên của quá trình đàm phán EVFTA.
Thứ hai, hệ thống pháp luật Việt Nam về đầu thấu vừa trải qua một đợt sửa đổi lớn, với Luật Đấu thầu ban hành năm 2013 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Thời điểm này, Việt Nam đã trở thành quan sát viên của GPA từ tháng 12/2012, đồng thời đang trong giai đoạn đàm phán TPP và EVFTA. Vì vậy, để chuẩn bị cho quá trình hội nhập sâu hơn, Việt Nam đã chủ động đưa những nguyên tắc cơ bản của GPA vào Luật Đấu thầu 2013.
Phần lớn các cam kết mua sắm công của EVFTA mà pháp luật đấu thầu Việt Nam đã tuân thủ là các nghĩa vụ mang tính nền tảng đã trở thành thông lệ quốc tế chung trong đấu thầu (như các khái niệm, các nguyên tắc cơ bản liên quan tới hồ sơ mời thầu…) hoặc các nghĩa vụ chung về minh bạch, cạnh tranh trong trình tự, thủ tục đấu thầu (như các vấn đề liên quan tới thông báo mời thầu, thông tin sau khi trao hợp đồng…).
Tiếp tục lựa chọn phương án điều chỉnh phù hợp
Các cam kết có nội dung mà pháp luật Việt Nam còn chưa tương thích không nhiều và chủ yếu mang tính đơn lẻ. Ngoài một số nghĩa vụ đặc thù của EVFTA, phần lớn các nghĩa vụ khác vẫn là những vấn đề liên quan tới minh bạch và cạnh tranh, một số ít liên quan tới các vấn đề mang tính hệ thống về đấu thầu (ví dụ các điều kiện đối với từng hình thức đấu thầu, tiêu chuẩn kỹ thuật trong đấu thầu, khiếu nại, khiếu kiện trong đấu thầu…).
Theo đó, những cam kết trong EVFTA mà pháp luật Việt Nam có quy định hoàn toàn khác biệt, chủ yếu là các nghĩa vụ riêng đặc thù của EVFTA (các cam kết về các tiêu chí xác định gói thầu thuộc phạm vi áp dụng, về đăng tải văn bản áp dụng riêng cho các gói thầu thuộc diện điều chỉnh, các biện pháp ưu đãi trong nước…). Về mặt nội dung, đây là các cam kết gắn với việc mở cửa thị trường đấu thầu cho các nhà thầu EU (các nguyên tắc đấu thầu áp dụng cho các trường hợp nhà thầu EU được tham gia đấu thầu tại Việt Nam theo cam kết mở cửa trong EVFTA).
Các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi pháp luật Việt Nam tuân thủ các cam kết riêng gắn với việc mở cửa thị trường trong EVFTA nên thực hiện thông qua xây dựng văn bản riêng với các quy định nội luật hóa các cam kết này và được áp dụng riêng cho các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA.
Đối với các cam kết liên quan tới vấn đề về minh bạch, cạnh tranh, cơ bản có thể áp dụng ở diện rộng, nên được các chuyên gia đề xuất sửa đổi trực tiếp các văn bản pháp luật về đấu thầu (có phạm vi áp dụng chung) theo hướng phù hợp với EVFTA. Việc sửa đổi theo hướng này sẽ được thực hiện trực tiếp với các văn bản trong hệ thống pháp luật đấu thầu có quy định về vấn đề liên quan; trường hợp có nhiều văn bản cùng quy định về một nội dung “chưa tương thích” thì việc sửa đổi cần được thực hiện đối với văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong số đó.
Trên thực tế, do phần lớn các cam kết nói trên liên quan tới các nội dung chi tiết, hiện đang quy định trong các Nghị định và/hoặc Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu, giải pháp thực tiễn và tập trung nhất là sửa trong các văn bản cấp Nghị định có quy định liên quan, sau đó nếu Thông tư hướng dẫn có quy định khác với Nghị định đã sửa đổi thì điều chỉnh Thông tư cho phù hợp.
Cam kết về mua sắm công trong EVFTA được quy định tập trung tại Chương 9 về mua sắm công; cùng với 3 Phụ lục, trong đó 2 Phụ lục liên quan tới Việt Nam (bao gồm Phụ lục 9a về các biện pháp chuyển tiếp thực thi Chương Mua sắm công, Phụ lục 9b về bản chào mở cửa thị trường mua sắm công của EU và Phụ lục 9c về bản chào mở cửa thị trường mua sắm công của Việt Nam). |