Bệ phóng cho khát vọng khởi nghiệp |
Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có cuộc trao đổi với báo chí mới đây.
Thưa ông, trong thời gian qua, kinh tế - xã hội Việt Nam chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh khó khăn chung đó thì cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cũng chịu những tác động như thế nào?
Trong bối cảnh Covid-19 lan tràn và kéo dài, có rất nhiều “đợt sóng” lên - xuống, thì tất cả những bạn trẻ khởi nghiệp của các nước trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Ở Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động đó. Tuy giai đoạn đầu chúng ta kiểm soát theo xu hướng là đóng cửa để ngăn không cho nước lũ ở bên ngoài tràn vào, nhưng sau đó do đặc thù của Covid-19 không thể làm như thế mãi, buộc chúng ta phải mở cửa để phát triển kinh tế, thì các bạn trẻ cũng như vậy.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ |
Giai đoạn đầu các bạn tập trung vào các giải pháp về truy vết, chăm sóc sức khỏe, cảnh báo để ngăn chặn sự xâm nhập. Nhưng giai đoạn sau, với sự điều tiết của chính quyền, tức là chúng ta không thể Zero Covid, mà phải chung sống trong trạng thái bình thường mới - vừa kiểm soát, vừa phát triển kinh tế, thì các bạn cũng xoay sang những nền tảng kết nối mở, rồi thích nghi trong trạng thái bình thường mới như chăm sóc sức khỏe như thế nào, học tập trực tuyến ra sao, hay các loại thanh toán không chạm… và những giải pháp đó rất hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.
Mặc dù chúng ta không có điều kiện gặp trực tiếp để gọi vốn, tổ chức các sự kiện đông người, nhưng chúng ta đã phát huy tối đa khả năng kết nối trực tuyến. Vì vậy, năm 2021 số vốn đầu tư mạo hiểm dành cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam lại tăng vọt. Năm 2020, là hơn 200 triệu USD, nhưng năm 2021 là hơn 1,3 tỷ USD đã được đưa vào cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Điều này cho thấy sự năng động, chuyển mình rất nhanh, bứt phá vươn lên của startup Việt Nam rất tốt.
Như ông vừa chia sẻ, năm 2021, startup Việt và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam đã đưa ra được nhiều giải pháp để giúp Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với Covid-19 và thể hiện qua số vốn đầu tư tăng vọt so với năm 2020. Điều này theo ông cho thấy những tín hiệu tích cực gì?
Điều đó cho thấy các bạn trẻ Việt Nam tiếp tục phát huy sự năng động và lắng nghe hơi thở của thị trường, lắng nghe nhu cầu của cuộc sống, mối quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế và như vậy chúng ta sẽ vượt lên được chính mình. Kinh nghiệm cho thấy, các bạn nhìn ra được những giải pháp mang tính toàn cầu và những xu hướng để chống chọi và bứt phá sau đại dịch này. Nếu chúng ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì sẽ được các nhà đầu tư rất quan tâm.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu và trong rất nhiều diễn đàn quốc tế gần đây họ nói từ “phải”, từ “bắt buộc”, chứ không phải là “khuyến khích” hay “mong muốn” nữa. Vì thế từ các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, các hợp tác xã đến từng hộ người dân đều phải dùng đến chữ “phải”, phải chuyển hướng, phải chuyển đổi số để thích ứng với tình hình mới. Thì những xu hướng đó cũng sẽ giúp cho startup có thị trường rất lớn và ngược lại, nhu cầu ở trong nước sẽ giúp cho startup Việt Nam thử nghiệm những sản phẩm giúp cho chuyển đổi số và từ đó có thể đi ra toàn cầu.
Covid-19 tiếp tục được dự báo còn diễn biến phức tạp và trong bối cảnh đó thì cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam chắc chắn cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn ở phía trước. Vậy chúng ta đã, đang và sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này, thưa ông?
Điều quan trọng nhất là chúng ta phải có đội ngũ huấn luyện viên/cố vấn chuyên nghiệp càng nhanh càng tốt. Cũng giống như đội tuyển bóng đá quốc gia, phải có những ông bầu tốt, có tầm nhìn, có chiến thuật. Hiện nay chúng ta đã bắt đầu hình thành đội ngũ mentor - huấn luyện viên ở một số lĩnh vực công nghệ, nhưng để trở thành những huấn luyện viên/cố vấn chuyên nghiệp thì chúng ta đang thiếu. Tri thức, sự kết nối, rồi rèn cả lý thuyết và thực hành hàng ngày càng nhanh càng tốt để chúng ta sẽ có được đội ngũ tiên phong về công nghệ để mở đường cho những mô hình kinh doanh mới.
Không gian làm việc chung chúng ta cũng đã hình thành khá nhiều. Nguồn vốn (cả trong nước và quốc tế), chúng ta không thiếu. Thị trường cũng không thiếu, bởi những thách thức từ Covid-19 đặt ra những nhu cầu rất mới của thị trường. Kể cả nhu cầu chuyển đổi từ mô hình kinh doanh, từ các doanh nghiệp và cả hộ nông dân…, vậy ai giúp cho công nghệ đó có thể trở thành mô hình kinh doanh mới để chuyển đổi cho doanh nghiệp, cho người dân, thì đó chính là đội ngũ những huấn luyện viên/cố vấn (cả về công nghệ và đầu tư)… Đây là điều đang rất thiếu hiện nay.
Các bộ, ban ngành đã có nhiều chương trình đào tạo, nhưng đào tạo chất lượng như thế nào, hiệu quả ra sao thì chúng ta phải có một đánh giá toàn diện và nếu thiếu thì phải nhanh chóng bù đắp khoảng trống này. Người Việt/Việt kiều ở các nước phát triển, ở các nước trong khu vực mà đã thành công trong dẫn dắt, huấn luyện các startup thì chúng ta cần phải tranh thủ tối đa, vì đó là nguồn lực rất tốt để chúng ta có được hệ sinh thái và có nhiều đội tuyển có thể thi đấu ở khu vực và cả quốc tế.
Ông có dự báo gì về sự phát triển của startup Việt trong năm 2022?
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục bứt phá trên đà của năm 2021. Tuy nhiên mức độ bứt phá đến đâu trong bối cảnh cạnh tranh khu vực thì chúng ta phải tính toán và chuẩn bị lực lượng rất tốt, vì các nước trong khu vực cũng đang thúc đẩy rất nhiều chính sách hỗ trợ, có nhiều phương tiện/công cụ để chuyên nghiệp hóa/chuyên môn hóa rất sâu các startup trong các lĩnh vực công nghệ.
Hiện nay, các nhà đầu tư đến Việt Nam bao giờ cũng hỏi: “Các bạn chuyên sâu về lĩnh vực gì?”, “giải quyết vấn đề gì mang tính toàn cầu?”. Trong khi đó những công nghệ nền tảng, những công nghệ mới bây giờ hầu như mang xu hướng mã nguồn mở. Nếu chúng ta có mô hình kinh doanh tốt, có cách giải quyết vấn đề của thị trường tốt thì ta có thể tìm nguồn công nghệ rất sẵn có (kể cả nguồn ở trên mạng, nguồn của các hãng, tập đoàn lớn họ đưa ra). Phương tiện không thiếu, nhưng để chuyển công nghệ đó thành mô hình kinh doanh để giải quyết những vấn đề rất cụ thể của thị trường là điểm chúng ta cần chú ý. Hiện Việt Nam chúng ta làm khá tốt khi đi theo xu hướng này.
Chúng tôi tin các startup Việt Nam vẫn tiếp tục niềm khát vọng dân tộc. Muốn vươn lên, muốn bứt phá thì hãy đi cùng nhau, đi cùng các tập đoàn lớn, đi cùng các huấn luyện viên và các cố vấn chuyên nghiệp để chúng ta có thể vươn tầm quốc tế và đạt được thành tích cao hơn nữa trong năm 2022. Tôi cũng tin các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn vào cuộc cũng sẽ giúp startup chuyên sâu và có phương tiện để chúng ta có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!