Năm 2018, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) đề ra, nền kinh tế của tỉnh có nhiều bước phát triển. Đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đạt 2.104 tiêu chí/2.888 tiêu chí, bằng 72,9% (tiêu chí phấn đấu đến năm 2020), tăng 177 tiêu chí so năm 2017, bình quân toàn tỉnh đạt 13,84 tiêu chí/xã, tăng 1,16 tiêu chí so với năm 2017. Lũy kế cuối năm 2018 toàn tỉnh đạt 43 xã cơ bản đạt chuẩn NTM.
Theo ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đắk Lắk, năm 2018, các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn Chương trình NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng được quan tâm, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 109 dự án sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị và đang triển khai, có trên 60 HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bước đầu có hiệu quả.
Hiện nay toàn tỉnh Đắk Lắk có 43/152 xã đạt chuẩn NTM, bằng 107,5% kế hoạch năm 2018 đề ra. Phấn đấu đến hết năm 2019, toàn tỉnh có thêm 50 xã đạt chuẩn NTM và TP. Buôn Ma Thuột được trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 14 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, Đắk Lắk xác định việc xây dựng NTM thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, xây dựng NTM phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đắk Lắk hướng đến xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp |
Trong năm 2019, Chương trình MTQG xây dựng NTM sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực ở mỗi thôn, buôn, xã.
Theo ông Đông, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi để nâng cao thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống người nông dân. Các cấp, ngành trong tỉnh cũng sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ chú trọng đến nội dung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của từng vùng. Đồng thời chú trọng đến hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu một số nông sản, thực phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, để hoạt động tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM có được hiệu quả cao thì cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính vì vậy, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cấp, ngành nhằm tạo đột phá trong thực hiện đề án tái cơ cấu.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, địa phương cần phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân, làm sao để dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình. |