Giám đốc có giỏi, HTX mới mạnh
Thông tin từ Bộ NN&PTNN cho thấy, hiện cả nước đã có hơn 16.132 HTX nông nghiệp (mục tiêu tới năm 2025 là 25.000 HTX nông nghiệp). Các HTX được thành lập dựa trên điều kiện và hoàn cảnh khác nhau song đều có một điểm chung là chức danh giám đốc ít nhiều còn hạn chế về kỹ năng quản trị, tổ chức hoạt động. Hiện còn trên 24.000 người (chiếm hơn 47%) cán bộ quản lý HTX nông nghiệp chưa được đào tạo trong khi, nhân lực là yếu tố quyết định hoạt động của HTX.
Với tâm huyết và tinh thần học hỏi, nhiều Giám đốc đã dẫn dắt HTX phát triển hiệu quả |
Có dịp lên với các HTX nông nghiệp ở các địa phương vùng miền núi dễ dàng nhận thấy, HTX nào có giám đốc được học hành, đào tạo bài bản; thì quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động tốt hơn hẳn. Với không ít HTX, sau thời gian hoạt động tự phát, manh mún do Giám đốc HTX điều hành theo thói quen, năng lực sẵn có… đã phải rời khỏi thương trường vì không chịu nổi sự cạnh tranh khắc nghiệt. Đây cũng chính là lý do để sau khi thành lập HTX, rất nhiều Giám đốc HTX đã chủ động tìm kiếm các lớp đào tạo kỹ năng với mong muốn năng cao năng lực, có những chiến lược đúng đắn, cụ thể cho HTX. Nói cách khác, nghề Giám đốc HTX nông nghiệp cũng là một nghề đặc thù, muốn giỏi nghề rất cần được đào tạo
Xuất phát từ nhu cầu đào tạo rất lớn đối với chức danh Giám đốc HTX, năm 2020, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên lập kế hoạch, chương trình đào tạo chức danh này. Theo đó, đã đào tạo thí điểm nghề “Giám đốc HTX” cho 154 học viên là cán bộ, thành viên HTX, sinh viên định hướng phát triển HTX. Trong chương trình đào tạo, các học viên đã được các chuyên gia, giảng viên của Bộ NN& PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên trao đổi, chia sẻ một số chuyên đề liên quan đến công tác điều hành, quản trị HTX, quảng bá sản phẩm, phát triển sản phẩm OCOP, những kinh nghiệm thành công khởi nghiệp từ các mô hình HTX tiêu biểu trên cả nước.
Rất nhiều Giám đốc HTX đã bày tỏ sự phấn khởi khi tham gia lớp học, vì với sự dẫn dắt của các chuyên gia, giảng viên, các học viên không những có thêm kiến thức để quản lý, điều hành trong tình hình mới; mà hơn thế còn hiểu hơn về quan điểm, mục tiêu phát triển HTX; vai trò của HTX; chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển HTX; thực trạng phát triển HTX; xu thế phát triển và một số vấn đề trọng tâm trong phát triển HTX nông nghiệp thời gian tới…
Đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp trên quy mô toàn quốc
Sau các lớp đào tạo thí điểm, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNN góp ý dự thảo chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp”.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNN có thể ban hành chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp” để các trường trực thuộc tham khảo xây dựng chương trình đào tạo nghề này. Trong đó, các nội dung về phê duyệt kế hoạch trung hạn, phân bổ chỉ tiêu, đơn vị đào tạo theo đề xuất của địa phương... không thuộc phạm vi quyết định của Bộ NN&PTNN. Các nội dung này do cơ sở đào tạo chủ động triển khai tuyển sinh, đào tạo khi đủ điều kiện về hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Bộ LĐ-TB&XH cũng ủng hộ và cam kết phối hợp với Bộ NN&PTNN triển khai đào tạo nghề Giám đốc HTX nông nghiệp trên quy mô toàn quốc, và hỗ trợ xây dựng Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề nông nghiệp, trong đó có nghề Giám đốc HTX nông nghiệp.
Được biết, hiện Bộ NN&PTNN đã xây dựng khung chương trình, giáo trình đảm bảo các điều kiện để tổ chức đào tạo nghề “Giám đốc HTX nông nghiệp”. Dự kiến chương trình đạo tạo có 3 mô đun, thời gian đào tạo 3 tháng (63 giờ lý thuyết và 240 giờ thực hành).