Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn |
Nông nghiệp - tiềm năng lớn chưa được phát huy
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Lê Quốc Doanh - cho biết, ĐBSCL gồm 13 tỉnh/thành phố, chiếm khoảng 12% GDP cả nước. Ba nông sản chủ lực là lúa gạo, thủy sản và trái cây lớn nhất nước, ĐBSCL đang là trung tâm sản xuất - cung cấp nông sản lớn nhất cả nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với mức đóng góp khoảng 40,7% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp (53,4% sản lượng thóc, 70% sản lượng trái cây, 58,7% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước).
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, tăng trưởng kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng của vùng còn thiếu vững chắc, tiềm năng lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; hệ thống hạ tầng kết cấu thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi; giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp, môi trường ngày càng ô nhiễm…
Hơn thế, vấn đề liên kết vùng chưa được quan tâm đúng mức. Quan hệ bốn nhà gồm nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) và ngân hàng chưa được thiết lập rộng rãi; mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo cánh đồng mẫu lớn có kết quả bước đầu nhưng thiếu cơ chế chính sách khuyến khích nhân rộng; chính sách tín dụng chưa gắn với mùa vụ sản xuất từng loại sản phẩm…
“Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải cơ cấu lại nền nông nghiệp. Dựa trên cơ sở ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản và tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết tạo thành giá trị ngành hàng chủ lực và liên kết vùng nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững hiệu quả”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Đông đảo doanh nghiệp tham dự diễn đàn |
Cần đẩy mạnh liên kết địa phương và ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL đang thiếu vắng các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm và thiếu sự liên kết giữa người có ý tưởng với người nghiên cứu, thậm chí có trường hợp người có công nghệ thực sự nhưng không biết chuyển giao như thế nào. Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải có sự liên kết vùng chặt chẽ và tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, trên thực tế việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực này còn hạn chế. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, CEO Saigon Books - chỉ ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp khá lạc hậu và hiện nay doanh thu trên năng suất nông nghiệp chỉ đạt 262 triệu đồng/năm, bằng 1/5 so với lĩnh vực khác. Các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp chỉ mới chỉ tập trung vào phần mềm quản lý trang trại, bộ cảm biến, thủy lợi thông minh, thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, phần mềm phân tích…
“Tôi thấy có nhiều công ty khởi nghiệp đầu tư rất nhiều vào web, app với nhiều tính năng mạnh, hình thức rất đẹp mắt và các chiến dịch marketing ấn tượng. Nhưng họ lại không đầu tư vào những thứ rất cơ bản như sản phẩm, các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng, công nghệ bảo quản, truy xuất nguồn gốc… thậm chí không có cả quy trình hay hiểu biết cơ bản về các lĩnh vực đó”, ông Quỳnh cho biết.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Phạm Đại Dương - cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, xác định DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo và luôn đồng hành cùng DN trong ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, làm chủ và hướng tới nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay, để phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của ĐBSCL, ngành nông nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ nòng cốt trong vùng như Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Đại học Cần Thơ… Bên cạnh đó sẽ chú trọng đào tạo nhân lực nông thôn, tập trung vào những ngành nghề là thế mạnh của địa phương, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như khả năng chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đối với việc liên kết vùng, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Bến Tre - cho biết, 4 tỉnh gồm Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long với những điều kiện tương đồng về kinh tế, xã hội và những lợi thế mang bản sắc riêng của mỗi địa phương hiện đang tích cực triển khai các hoạt động liên kết phát triển tiểu vùng duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL, nhằm tạo môi trường phát triển chung và giải quyết những vấn đề mà từng tỉnh riêng lẻ sẽ không làm được. Cụ thể, vào ngày 20/10 vừa qua, lãnh đạo của 4 tỉnh đã chủ trì hội thảo “Liên kết phát triển bền vững vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL” để thảo luận về những nội dung định hướng chủ yếu trong liên kết, làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án liên kết tiểu vùng.
“Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phải quyết tâm, đồng lòng, xóa bỏ tư duy cục bộ địa phương, hợp tác trên tinh thần quyết liệt, với trách nhiệm cao để cùng có lợi cho người dân và DN của từng địa phương”, ông Mãi nhấn mạnh.