Dự thảo quy chế đã nêu rõ quy định những diện đối tượng
không được lựa chọn giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Nhiều quy định cụ thể đã được đưa ra tại dự thảo quy chế về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, quản lý, điều hành tại tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước của Chính phủ, đang được gửi lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.
Đây là văn bản sẽ được ban hành kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ quản lý, điều hành tại tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước.
Lỗ hai năm liên tục cũng không được chọn
Nhân sự các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã từng là chủ đề nóng tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp này với “điểm nhấn” là sự nhìn nhận của Chính phủ về lãnh đạo tập đoàn nói chung và với nguyên Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nói riêng.
Đó là nhiều năm liền Vinashin báo cáo không trung thực về sử dụng vốn, về đầu tư và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh làm cho cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không phù hợp, không kịp thời.
Và, “trong thời gian dài, các chức danh quan trọng của tập đoàn tập trung vào một người, mà người này những năm gần đây trở nên độc đoán, gia trưởng"…
Trong một bản báo cáo khác sau một năm Quốc hội giám sát tối cao về tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Chính phủ cũng nêu rõ: một số tổng công ty kinh doanh thua lỗ liên tục, kéo dài nhưng hội đồng quản trị, tổng giám đốc không bị xử lý trách nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức.
Với dự thảo quy chế nói trên, Chính phủ đã nêu rõ quy định những diện đối tượng không được lựa chọn giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Bao gồm, người đã làm chủ tịch hội đồng quản trị, ủy viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, kế toán trưởng tập đoàn, tổng công ty nhà nước, giám đốc công ty Nhà nước nhưng vi phạm đến mức bị cách chức, miễn nhiệm; hoặc để doanh nghiệp lâm vào tình trạng lỗ hai năm liên tiếp; hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước đầu tư hai năm liên tiếp; hoặc ở trong tình trạng lỗ lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được…
Các trường hợp được loại trừ là lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư có lý do khách quan được giải trình và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ.
Đáng chú ý, quy định này còn áp dụng với cả trường hợp không trung thực trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu lợi bất chính cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính của tập đoàn, tổng công ty, công ty…
Phần tiêu chuẩn chung đối với cán bộ quản lý, bên cạnh có đủ sức khỏe, có kinh nghiệm và trình độ quản lý dự thảo còn đưa ra yêu cầu có đủ trình độ ngoại ngữ và tin học để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cụ thể hơn, tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng thành viên đã đưa ra yêu cầu phải có trình độ đại học trở lên, có năng lực, đã kinh qua các chức vụ quản lý điều hành tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty Nhà nước ít nhất 5 năm. Với hội đồng thành viên thời gian này là 3 năm.
Dự thảo quy chế cũng nêu rõ, người được ký hợp đồng làm tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải đạt điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển vào những chức danh này do cấp có thẩm quyền tổ chức.
Nếu người nước ngoài đăng ký ký hợp đồng làm tổng giám đốc thì đơn vị phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định và người đó phải có trình độ tiếng Việt đủ để hoàn thành nhiệm vụ đã cam kết.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, dự thảo quyết định nói trên đang được gửi lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan và các tập đoàn, tổng công ty.
Thời hạn bổ nhiệm không quá 5 năm
Cũng liên quan đến việc lựa chọn lãnh đạo cho các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Nội vụ đã dự thảo nghị định quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước .
Theo đó, thời hạn bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp không quá 5 năm, riêng đối với chức danh kiểm soát viên, thời hạn bổ nhiệm không quá 3 năm.
Những trường hợp không được xem xét bổ nhiệm là đang trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ; đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử; và đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật từ khiển trách trở lên.
Dự thảo nghị định cũng nêu rõ người quản lý doanh nghiệp được bổ nhiệm chức danh mới thì đương nhiên thôi giữ chức danh đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm do cấp có thẩm quyền quyết định.
Người quản lý doanh nghiệp khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại hoặc không được bổ nhiệm chức vụ mới thì cấp nào có thẩm quyền bổ nhiệm phải có trách nhiệm bố trí công việc mới hoặc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, dự thảo nêu rõ.
Theo dự thảo nghị định, sẽ có 5 hình thức kỷ luật, gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Đồng thời nêu rõ, không được cử người có quan hệ gia đình được pháp luật thừa nhận hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người quản lý doanh nghiệp và người đại diện bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên hội đồng kỷ luật.
Đối với các chức danh thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Thủ tướng ở các doanh nghiệp, việc thành lập hội đồng kỷ luật do Thủ tướng quyết định hoặc ủy quyền cho bộ quản lý ngành hoặc Bộ Nội vụ. Sau khi hội đồng kỷ luật họp kết luận, hội đồng thành viên tổng hợp kết quả gửi hồ sơ kỷ luật lên bộ quản lý ngành trình Thủ tướng, đồng thời gửi Bộ Nội vụ để thẩm định trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Theo VnEconomy