Ảnh minh họa |
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen
TPP tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân
Những tác động mà TPP mang lại đối với Tập đoàn Hoa Sen đan xen cả cơ hội lẫn thách thức. Trước hết, Hiệp định TPP góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tập đoàn, mở ra những thuận lợi trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ở khu vực Nam Mỹ như Chile, Mexico… với nhiều ưu đãi về thuế suất và các thủ tục hải quan. Với khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu sang khu vực Nam Mỹ, Tập đoàn Hoa Sen có thể sẽ cân nhắc đến những giải pháp sáng tạo và linh hoạt hơn trong việc chuyên chở hàng hóa nhằm tiết giảm chi phí vận chuyển và gia tăng lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cùng ngành.
Hiệp định TPP tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân nói chung và Tập đoàn Hoa Sen nói riêng phát triển và cạnh tranh bình đẳng. Khi tham gia vào TPP, các quốc gia thành viên buộc phải cam kết thực hiện đúng các nguyên tắc về doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong khu vực thương mại tự do. Điều này đồng nghĩa với việc TPP sẽ góp phần loại bỏ những đặc quyền mà Chính phủ của quốc gia thành viên dành riêng cho doanh nghiệp nhà nước, đồng thời làm hài hòa lợi ích giữa thành phần kinh tế tư nhân và nhà nước, góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và minh bạch.
Hiệp định TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức mới đối với tập đoàn mà điển hình là sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường nội địa. Tập đoàn Hoa Sen sẽ phải đối mặt với việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thép có xuất xứ từ các quốc gia thành viên với ưu thế vượt trội về giá cả cũng như chất lượng.
Ông Chu Tiến Dũng – Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn -TNHH MTV
Cú huých lớn đối với hoạt động xuất khẩu
Là doanh nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) hoạt động trong 4 ngành công nghiệp gồm: Chế biến tinh lương thực - thực phẩm (sản phẩm thuốc lá); Hóa chất - cao su, nhựa; Cơ khí – chế tạo máy; Điện tử - bán dẫn, công nghệ thông tin. Hiện các sản phẩm của CNS xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu (Nhật, Ý, Úc, Đức, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Pakistan, Cộng hòa Trung Phi, Đài Loan, Panama, Brazil, Uruguay, các nước ASEAN, Hàn Quốc…), trong đó có các nước thành viên tham gia TPP như Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ… Việc trở thành thành viên của TPP sẽ đem đến lợi thế cạnh tranh giữa CNS với các doanh nghiệp đến từ các nước không tham gia TPP. Tuy nhiên, việc này cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh hơn tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài tại các nước tham gia TPP. Đối với thị trường xuất khẩu, sẽ có nhiều thuận lợi khi mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú huých” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của công ty. Việc có quan hệ FTA với Hoa Kỳ (cùng với đó là EU, liên minh kinh tế Á - Âu) sẽ giúp công ty có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... trong khi doanh nghiệp của các nước cạnh tranh với Việt Nam do chưa có quan hệ FTA với Hoa Kỳ sẽ không được tham gia.
Để thuận lợi hơn cho hoạt động của các DN, các cơ quan chức năng nên tạo nhiều điều kiện hơn nữa trong việc tiếp xúc với các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước; có nhiều hơn nữa chính sách khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước; quản lý giá đối với hàng hóa cùng loại nhập khẩu để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.
Ông Trương Đình Hòe -Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Tận dụng ưu đãi về thuế quan
Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia, chiếm 4 - 5% GDP, chiếm 6 - 7% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu, đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu. Thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 165 thị trường, năm 2015 xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 6,57 tỷ USD và đặt mục tiêu năm 2016 đạt trên 7 tỷ USD.
Năm 2015, ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang các nước thành viên tham gia TPP đạt gần khoảng 3 tỷ USD, chiếm 46% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại sẽ giúp thủy sản Việt Nam tiếp tục mở cửa và hội nhập hơn nữa vào các thị trường này. Ví dụ, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi hơn Argentina, Ecuado và Ấn Độ khi 3 nước này không có FTA với Nhật Bản. Hoặc khi TPP có hiệu lực thì tôm Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh hơn so với 6 nước cạnh tranh chính là Argentina, Ecuado, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Indonesia khi 6 nước này không có FTA ASEAN - Hoa Kỳ. Thêm vào đó, khi TPP chính thức được hình thành, thuế suất giảm bằng 0% sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn nữa từ khâu nuôi trồng, chế biến cho đến xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi hội nhập. Quy định của thị trường sẽ ngày càng cao và nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc, trách nhiệm môi trường và bảo vệ nguồn lợi (IUU), thuế chống bán phá giá... Chẳng hạn, những quy định của TPP về quy tắc xuất xứ sẽ gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu thủy hải sản chủ lực của Việt Nam. Do đó, một trong những vấn đề căn bản để tận dụng được sự ưu đãi về thuế quan sau khi ký TPP là phải có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt.
Ông Đoàn Văn Lực - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cao su Liên Anh
Xây dựng mô hình liên kết “3 nhà”
Công ty chúng tôi có 15 năm kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cao su thiên nhiên các loại với 2 nhà máy có năng lực sản xuất gần 100.000 tấn/năm, doanh số xuất khẩu là 89,5 triệu USD. Công ty hiện có mạng lưới khách hàng truyền thống trên khắp các châu lục, trong đó có 2 thị trường lớn là Mỹ và Malaysia.
Việc Việt Nam trở thành thành viên của TPP sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường rất lớn cho Liên Anh xuất khẩu sang các nước TPP. Trong các nước gia nhập TPP chỉ có Việt Nam và Malaysia có tiềm năng về cao su nên khả năng gia nhập thị trường cao su tại TPP cho Việt Nam và Malaysia tăng lên. Tuy nhiên, về giá xuất khẩu của cao su Việt Nam cạnh tranh hơn Malaysia nhưng về chất lượng thì hàng Việt Nam lại chưa bằng Malaysia do giống, kỹ thuật trồng cũng như công tác quy hoạch, thu mua.
Nhằm hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường TPP, công ty đề xuất với các cơ quan hữu quan bỏ thuế GTGT đối với cao su; Bộ Công Thương cần tăng cường phổ biến tới các DN về các quy định, chính sách và rào cản kỹ thuật cho nhập khẩu mủ cao su của các nước TPP; xúc tiến đưa Việt Nam gia nhập Hội đồng cao su quốc tế ba bên (ITRC) để tăng cường hợp tác với các nước xuất khẩu cao su: Thái Lan, Malaysia và Indonesia; xây dựng mô hình liên kết 3 nhà: Nhà nông, nhà sản xuất và ngân hàng để hỗ trợ ngành cao su; có những chính sách cụ thể hỗ trợ kịp thời cho ngành cao su nhất là nông dân vì hiện tại giá thành cao su thiên nhiên sau chế biến thấp hơn giá bán, nếu giá tiếp tục giảm sẻ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung nguyên liệu.
Ông Trần Khánh Hoàng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn
Sẽ mở rộng đầu tư
TPP không chỉ được dự đoán sẽ đem lại thuận lợi cho các ngành sản xuất như dệt may, gỗ, thủy sản, ngành dịch vụ cảng biển mà logistics cũng được dự đoán là sẽ hưởng lợi từ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao giữa khu vực châu Á và Bắc Mỹ. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) - nhà khai thác cảng container lớn nhất Việt Nam - đã có sự đầu tư cần thiết trong những năm qua để đón đầu những cơ hội mà TPP mang lại.
Tháng 5/2016, TCSG sẽ khởi công xây dựng dự án xây dựng cảng container quốc tế Hải Phòng - dự án cảng container nước sâu đầu tiên tại khu vực miền Bắc. Cảng container quốc tế Hải Phòng dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 5/2018 sẽ kết nối đồng bộ với 2 cảng đã hoạt động và ICD Tân Cảng – Hải Phòng, tạo thành một hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu rất lớn. Ngày 8/3/2016, cảng nước sâu Tân Cảng – Petro Cam Ranh cũng được hoàn thành xây dựng giai đoạn I và đưa vào hoạt động. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TCSG đã phát triển hệ thống 8 cảng trực thuộc và liên kết trong khu vực, các cảng này đều nằm ở các vị trí kế cận các khu công nghiệp trọng điểm, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong quá trình xuất nhập hàng hóa. TCSG đã và đang triển khai các phương án kết nối hiệu quả hệ thống 16 cảng, 6 ICD và depot với gần 5.000m cầu tàu, 190 ha bãi container và 550.000m2 kho hàng trên khắp các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cùng hệ thống trang thiết bị xếp dỡ hiện đại và chương trình quản lý khai thác cảng tiên tiến, trong đó, dịch vụ vận tải thủy, bộ và vận tải biển nội địa là các lĩnh vực được tập trung đầu tư để hoàn thiện chuỗi cung ứng logistics.
Với những kết quả đã đạt được, TCSG không chỉ chủ động trong việc đón nhận những hiệu ứng tích cực TPP mang lại mà còn tạo dựng được những gói giải pháp logistics hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam
Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ
Sản phẩm mì ăn liền Acecook hiện đã có mặt tại 46 quốc gia trên thế giới, trong đó tỷ trọng hàng xuất khẩu đến các nước TPP là 18% trên tổng doanh số xuất khẩu của toàn công ty. Định hướng sắp tới của Acecook là phát triển mạnh bán hàng đến các nước, đặc biệt là Mỹ, Úc, Canada. Hiện tại, Acecook cũng gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu các quy định để bán hàng qua các thị trường lớn này. Chúng tôi hy vọng, khi Hiệp định TPP có hiệu lực sẽ có thêm nhiều cơ hội xuất khẩu hơn nữa.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên TPP, Bộ Công Thương cần kết hợp với các tham tán Việt Nam tại các nước TPP nắm rõ các hàng rào kỹ thuật của từng nước đối với từng ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Sau đó, chia sẻ các thông tin để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề chuẩn bị tốt điều kiện về sản xuất- kinh doanh cho phù hợp với cơ chế mới. Cần nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng về các thiết bị kiểm tra chuyên ngành có độ chính xác phát hiện cao như kiểm tra GMO, kiểm tra nồng độ chiếu xạ… để tương thích với các kết quả kiểm tra của các nước tiên tiến. Các cơ quan ban ngành cần cải tiến các thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian để thực hiện thủ tục xuất khẩu. Ví dụ như công tác cấp C/O, nếu có thể để doanh nghiệp tự tính và tự cấp C/O thì sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế hơn đối với việc xuất khẩu đến các nước lân cận...
Ông Mai Hoài Anh – Giám đốc Điều hành hoạt động Vinamilk
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Tham gia TPP, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ có cơ hội thâm nhập vào thị trường châu Mỹ (Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ qua hai nước Peru, Chile) nhiều hơn so với doanh nghiệp cùng ngành sữa ở Indonesia, Thái Lan và Philippines (những nước chưa là thành viên TPP).
Trước đây, khi chưa có sự hình thành của TPP, Vinamilk xuất khẩu không nhiều đến các nước thành viên của khối. Tuy nhiên, dự kiến từ 2018 - khi TPP có hiệu lực, Vinamilk đã và đang chuẩn bị các chiến lược mới để thâm nhập và phát triển tại thị trường các nước thành viên. Vinamilk xác định đẩy mạnh một số lợi thế cạnh tranh, trước tiên là chất lượng sản phẩm, công nghệ, dây chuyền sản xuất theo các tiêu chuẩn ngang bằng với chuẩn các nước phát triển (như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Nhật Bản). Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động XTTM tại các thị trường TPP, đón đầu các ưu thế mang lại tại hiệp định. Thứ ba, Vinamilk linh hoạt thực hiện các đơn hàng nhỏ để thiết lập nền tảng kinh doanh ngay từ đầu, Vinamilk sẵn sàng chấp nhận mức lợi nhuận thấp trong thời gian đầu để có thể đưa hàng tiến vào được thị trường…
TIN LIÊN QUAN | |