Nhưng xem ra tại các phân xưởng, ngoài triền đà của các DN nơi đây vẫn trong không khí yên ắng, vắng hẳn tiếng ồn ào. Và, không có các con tàu chờ ngày xuống nước.
Hướng nội
Đến thời điểm này, các hợp đồng đã ký giữa các thành viên của Vinashin tại Hải Phòng với chủ tàu nước ngoài đang trong giai đoạn “dở khóc, dở cười”. Nhiều con tàu đang đóng dở vẫn nằm chình ình, bởi phía chủ tàu không rót tiếp vốn, cũng không tuyên bố bỏ tàu. Thi công tiếp là... mang nợ vào người, còn không thi công... lại sợ chủ tàu phạt hợp đồng. Một lãnh đạo DN cho biết: “Thà cứ tuyên bố... bỏ tàu, mình còn biết đường trả nợ khoản vay ngân hàng và tìm cách hoàn thiện bán cho khách hàng khác.”. Thực tế trong hoàn cảnh này, cũng có những con tàu đã được bán cho các chủ khác khi mọi chuyện được đàm phán dứt điểm giữa nhà đóng tàu và chủ tàu.
Tàu chở hàng 56.200 DWT mà TCty CNTT Nam Triệu bàn giao cách đây 2 tháng cho Cty Hoa Ngọc Lan - Thái Bình là một ví dụ. Sản phẩm này được thiết kế bởi Cty IHI-MU (Nhật Bản) là loại tàu chở hàng rời, có kết cấu mạn đơn, đáy đôi, dẫn động bằng động cơ diesel, trị giá 33 triệu USD. Ban đầu, con tàu này được đóng mới theo đơn đặt hàng của chủ tàu Nhật, sau do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, TCty CNTT Nam Triệu quyết định bán cho Tập đoàn Trãi Thiên (TP HCM).
Tháng 5/2010, Hoa Ngọc Lan ký hợp đồng mua của Nasico một tàu trọng tải 53.000 DWT. Ngày 26/9/2010, trước sự chứng kiến của PVFC, HabuBank và các đối tác, Cty TNHH MTV Vận tải biển Nam Triệu đã nhận bàn giao tàu chở hàng khô trọng tải 6.800 DWT số 2 mang tên Nasico Eagle từ Cty CP CNTT và xây dựng Nam Triệu và đưa vào khai thác.
Không chỉ Nam Triệu, các đơn vị thành viên của Vinashin tại Hải Phòng đang có xu hướng đóng tàu cho các chủ tàu trong nước. Họ cho biết làm ăn theo hướng này dễ chịu hơn là đóng tàu cho nước ngoài. Cùng với việc đóng tàu cho chủ tàu trong nước, các DN đóng tàu cũng quay lại lĩnh vực sửa chữa tàu biển cho “chắc ăn”. Lý do đơn giản, tàu sửa xong, mà chủ tàu không thanh toán còn có cớ giữ lại tàu.
Sóng gió chưa hết
Thời gian qua, các Cty thành viên của Vinashin tại Hải Phòng đã quá ngán cảnh: Tập đoàn đứng ra ký hợp đồng với chủ tàu rồi phân bổ cho các thành viên, việc cung ứng vật tư, thiết bị cũng do tập đoàn đảm nhiệm. Các thành viên chỉ còn việc “gia công” để hưởng lương. Thậm chí trước đây có những tàu bàn giao rồi, nhưng chủ tàu thanh toán cho tổng thầu là tập đoàn, còn các Cty thành viên thì chỉ còn cách... chờ.
Khó khăn lớn nhất đối với các Cty đóng tàu Hải Phòng nói riêng và Tập đoàn Vinashin nói chung là “chảy máu chất xám” và thợ lành nghề. Để có lực lượng lao động giỏi, các Cty đóng tàu Hải Phòng phải bỏ chi phí cho việc đào tạo, nâng cấp tay nghề thợ giỏi để được Đăng kiểm nước ngoài cấp chứng chỉ. Nay, việc ít, nhiều thợ lành nghề bỏ sang đơn vị khác ngoài ngành, số còn lại thay phiên nhau làm việc, áp dụng hình thức nghỉ việc có lương, thợ bậc 1 được hưởng 1-1,2 triệu đồng/ tháng. Mặc dù vậy, các cơ sở đóng tàu ở Hải Phòng vẫn phải giữ quân. Và... nếu cứ đà này, trong thời gian ngắn nữa, các Cty đóng tàu Hải Phòng sẽ mất dần những nguồn nhân lực chính, và rồi sẽ đi đâu khi nguồn nhân lực đã cạn (?)