Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc với các doanh nghiệp FDI tỉnh Bắc Ninh |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao những đóng góp của các DN FDI nói chung và DN FDI trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng, đặc biệt là những đóng góp của các DN FDI tiêu biểu như Canon, Samsung- hai DN FDI lớn, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2014, Canon đóng góp 2%, Samsung đóng góp hơn 17% vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sự hiện diện của Samsung và Canon tại Việt Nam không chỉ góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng xuất khẩu mà còn giải quyết việc làm cho người lao động Việt Nam. Đặc biệt, những DN này liên tục mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, coi Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất trên toàn cầu, cho thấy sức hấp dẫn lớn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, ông Han Myong-Sup- Tổng giám đốc Samsung Việt Nam- đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, đồng thời khẳng định, trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung đã nhận được sự ủng hộ rất nhiều của các bộ, ngành, trong đó có lãnh đạo Bộ Công Thương. Thời gian tới, Samsung đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đó, Samsung sẽ tập trung đầu tư công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và có kế hoạch tăng tỷ lệ nội địa hóa tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, để tăng tỷ lệ nội địa hóa, Samsung sẽ tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của Samsung, từ đó kêu gọi các đối tác Việt Nam tham gia vào sản xuất linh kiện cho Samsung.
Ông Soma Katsuyoshi- Tổng giám đốc Canon Việt Nam- cho biết: Có mặt tại Việt Nam từ năm 2001, đến nay, Canon đã nhận thấy những thay đổi tích cực trong môi trường đầu tư của Việt Nam, đơn cử như tình trạng thiếu điện, hay những khó khăn trong cơ sở hạ tầng đã dần được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, dẫn đến những khó khăn cho Canon trong việc nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất, làm tăng chi phí và giảm giá trị gia tăng cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Canon bày tỏ mong muốn Việt Nam tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa của DN.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh: Tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp DN cắt giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. |
Chia sẻ với mong muốn của các DN FDI, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng nhất trí với quan điểm Việt Nam cần phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đã soạn thảo Nghị định mới về công nghiệp hỗ trợ và đã qua 2 vòng lấy ý kiến, hiện đang trình Chính phủ xem xét. Nghị định mới về công nghiệp hỗ trợ có những chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế, đào tạo nhân lực… tạo nhiều cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, để công nghiệp hỗ trợ phát triển, Việt Nam cũng mong muốn các DN trong và ngoài nước, nhất là các DN FDI cùng tham gia tích cực bằng cách đưa ra những danh mục linh kiện cụ thể để tạo thuận lợi cho DN tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm...