Doanh nghiệp quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yếu thế
Ngày 8/9, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường đại học Ngoại Thương tổ chức Tọa đàm Chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người tiêu dùng yếu thế là trẻ em, học sinh, sinh viên. Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng nói chung.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trong đó, quyền và lợi ích của người tiêu dùng ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ và an toàn cả trong các giao dịch truyền thống lẫn giao dịch hiện đại.
Tọa đàm Chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người tiêu dùng yếu thế là trẻ em, học sinh, sinh viên do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường đại học Ngoại Thương tổ chức |
"Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng có những đặc điểm riêng, thường xuyên gặp khó khăn, hạn chế trong quá trình tiêu dùng hàng ngày" - bà Nguyễn Quỳnh Anh cho hay.
Trước thực tiễn đó, năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Đề án “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho người tiêu dùng yếu thể giai đoạn 2021-2025”.
Trong khuôn khổ các hoạt động năm 2022 của Đề án, thời gian qua, với vai trò là đơn vị được giao nhiệm vụ triển khai, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa và thiết thực nhằm hướng tới các nhóm người tiêu dùng yếu thế khác nhau.
Tại tọa đàm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã giới thiệu một số điểm mới về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng yếu thế trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) mà Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện.
Tọa đàm cũng công bố Chương trình tri ân của doanh nghiệp dành cho người tiêu dùng yếu thế là trẻ em, học sinh, sinh viên. Đây là một trong các hoạt động điểm nhấn trong tổng thể các hoạt động của Đề án do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ xây dựng và thực hiện các ưu đãi dành riêng cho nhóm người tiêu dùng yếu thế là trẻ em, học sinh, sinh viên phù hợp với từng thời điểm mua sắm |
Trong khuôn khổ chương trình này, bên cạnh việc đảm bảo các quyền lợi nói chung cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp tham gia sẽ xây dựng và thực hiện các ưu đãi dành tặng riêng cho từng nhóm người tiêu dùng cụ thể, phù hợp với từng thời điểm mua sắm.
Tại tọa đàm, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng đại diện các doanh nghiệp như: Baemin, Karo Books, Thế giới di động... đã chia sẻ thông tin về xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng nói chung, các nhóm người tiêu dùng yếu thế nói riêng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; các chương trình ưu đãi và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các thương hiệu, doanh nghiệp...; đồng thời giải đáp những câu hỏi, vấn đề quan tâm của các bạn học sinh, sinh viên.
Chương trình tọa đàm được tổ chức tại một trường đại học giúp các sinh viên, học sinh không chỉ được tiếp nhận những thông tin có giá trị, thiết thực mà còn trực tiếp góp phần cùng lan tỏa, chia sẻ những thông tin, kiến thức này để chung tay nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam.