Đây là nội dung trong buổi làm việc của Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại tỉnh Tiền Giang, do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu. Tham gia Đoàn còn có Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải.
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang, ông Trần Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã báo cáo Đoàn về công tác chống dịch và phục hồi kinh tế của tỉnh. Ông Mười cho biết, kể từ ngày 1/10/2021 đến 31/10/2021 tỉnh đã tập trung cho công tác phòng, chống dịch và từng bước phục hồi một số hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp. Và từ ngày 1/11 tỉnh đã định hướng mở lại hoạt động cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với phương án phòng, chống dịch.
Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 làm việc tại tỉnh Tiền Giang |
Tuy nhiên theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ các quy định về phòng, chống dịch mở ra rất nhanh và thoáng nên tỉnh Tiền Giang chưa đáp ứng kịp, nhất là trong điều kiện tỷ lệ tiêm vắc xin trong toàn dân của tỉnh còn thấp. Bên cạnh đó, người về từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh số lượng khá lớn nhưng chưa có sự phối hợp giữa các địa phương với tỉnh Tiền Giang nên còn bị động trong công tác quản lý, thực hiện xét nghiệm, cách ly y tế. Ngoài ra, khi chuyển sang trạng thái mới, nới lỏng giãn cách xã hội, người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, nhất là đối với những người đã tiêm vắc xin, không tuân thủ nghiêm 5K, đi lại tự do, làm phát sinh các ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát.
Đối với giải pháp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, theo ông Mười, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ để động viên, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giải quyết cho doanh nghiệp; tạo sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã thành lập nhiều Tổ công tác hướng dẫn, góp ý, thông qua, kiểm tra phương án sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với doanh nghiệp; đảm bảo trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận được phương án của doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Royal Food (Thái Lan) đề xuất được ưu tiên tiêm vắc xin mũi thứ 2 cho công nhân để bảo vệ sức khỏe người lao động và duy trì sản xuất an toàn |
Trong buổi làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang, lãnh đạo Ban quản lý cho biết, tính đến ngày 3/11/2021, có 129 doanh nghiệp trong KCN, CCN đang hoạt động với 53.422 người (trong đó, có 83 doanh nghiệp lựa chọn phương án tổ chức cho người lao động đi về hàng ngày với 43.863 người tham gia thực hiện; 3 doanh nghiệp lựa chọn kết hợp phương án “3 tại chỗ” và đi, về hàng ngày với 1.270 người tham gia thực hiện và 43 doanh nghiệp đang thực hiện theo phương án “3 tại chỗ” với 8.289 người). Tuy vậy trong quá trình khôi phục sản xuất có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện Quyết định 4800/QĐ-BYT và Công văn số 8228/BYT-MT của Bộ Y tế về hướng dẫn xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các quyết định không quy định xét nghiệm sàng lọc, tầm soát ban đầu trước khi người lao động quay trở lại làm việc song thực tế qua sàng lọc xét nghiệm ngoài cộng đồng trước khi người lao động làm việc đã phát hiện rất nhiều F0. Ngoài ra, quy định xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5-10% người lao động đối với người lao động có nguy cơ cao của doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay trên địa bàn là chưa phù hợp và theo Ban quản lý các KCN Tiền Giang thì người lao động cần được xét nghiệm với tần suất hàng tuần với tỷ lệ nhất định.
Với riêng từng doanh nghiệp, ông Hà Văn Tín - Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành cho biết, công ty thực hiện 3 tại chỗ từ ngày 15/7. Do kéo dài 3 tại chỗ quá lâu nên phát sinh nhiều bất cập, tâm lý người lao động không ổn định và cần nhanh chóng thay đổi phương án. “Hiện thị trường đang vào cao điểm kinh doanh cuối năm, trong khi đó doanh nghiệp lại không tăng sản xuất được vì thiếu lao động. Từ đó doanh nghiệp mong muốn được giải quyết bất cập để tận dụng cơ hội kinh doanh cuối năm”- ông Tín nói.
Tương tự, đại diện Công ty Heniken cho biết, để thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất cần tạo sự liên thông vùng miền về đánh giá cấp độ dịch để quản lý người lao động. Qua đó giúp doanh nghiệp lên phương án sản xuất cho phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương, từng vùng. Bên cạnh đó, trong tình hình mới hiện nay, theo khuyến cáo của Bộ Y tế dịch còn phức tạp vì thế cần phủ vắc xin nhanh cho người lao động để duy trì sản xuất cuối năm và năm sau.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Việt Nam cho biết, hiện công ty vẫn áp dụng phương án 3 tại chỗ với 50% nhân viên. Nguyên nhân do thời điểm cuối năm đơn hàng nhiều trong khi đó tại địa phương vẫn còn ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng nên việc làm 3 tại chỗ sẽ giúp CP tránh rủi ro. Tuy vậy, công ty sẽ xem xét trong 2 tuần nữa khi tình hình dịch ngoài cộng đồng ổn sẽ có phương án mới.
Qua các buổi làm việc, ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, doanh nghiệp phải chuyển dần thích ứng sang trạng thái bình thường mới bởi sẽ không có chuyện “Zero F0”. Theo đó, hiện nay Chính phủ đã có Nghị quyết 128 về phòng chống dịch trong bối cảnh mới nên doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng khi công nhân đã tiêm vaccine, từ đó mới tăng năng suất lao động trong các tháng cuối năm được. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có cán bộ y tế, phòng y tế ngay tại nhà máy và việc test nhanh tại doanh nghiệp phải nằm trong danh mục cấp phát của Bộ Y tế để tránh giả mạo.
Liên quan đến vấn đề này, Đại diện Tổ Công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng rất linh hoạt Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất theo Nghị quyết 128 và doanh nghiệp Tiền Giang nên học hỏi kinh nghiệm này để vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.