Tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam Quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam |
Ngày 8/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương, trong đó giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương: “Khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy phép lao động..."
Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 18/9/2023).
Cục trưởng Cục Việc làm - ông Vũ Trọng Bình phát biểu tại Hội nghị phổ biến Nghị định 70/2023/NĐ-CP. Ảnh: N.T |
Theo đó, Nghị định số 70/2023/NĐ-CP có nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng lao động nước ngoài cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thời gian vừa qua.
Cụ thể, luật quy định bổ sung trường hợp người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc, người sử dụng lao động phải báo cáo qua môi trường điện tử về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đến làm việc.
Đồng thời, bổ sung quy định trường hợp đổi tên doanh nghiệp mà không thay đổi mã số doanh nghiệp ghi trong giấy phép lao động còn thời hạn thì được cấp lại giấy phép lao động. Quy định thống nhất một đầu mối là Sở Lao động Thương binh và Xã hội trong việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài tại địa phương.
Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 70/2023/NĐ-CP do Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Eurocharm (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) tổ chức ngày 16/10, Cục trưởng Cục Việc làm - Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, Nghị định 70/2023/NĐ-CP đã yêu cầu các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đăng tuyển thông tin trên cổng minh bạch, nhà nước không can thiệp, để doanh nghiệp tự đăng tuyển. Cơ sở dữ liệu thống nhất, cố gắng để người lao động Việt Nam trên mọi miền đất nước để tham gia tuyển dụng...
Theo đó, bên cạnh việc các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, lần đầu tiên đưa vào quy trình cấp phép lao động nước ngoài làm việc trên nhiều địa bàn. Lần này cấp một giấy phép, nêu rõ địa điểm có thể làm việc bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là sự đổi mới căn bản, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan hành chính nhà nước, chịu trách nhiệm mọi việc về việc này... "Đối với Nghị định 70, mọi thủ tục hành chính đã được giảm bớt nhất có thể. Chúng tôi bàn rất kỹ thủ tục giảm bảo đảm được cho doanh nghiệp, nhưng không vi phạm quản lý nhà nước" - ông Vũ Trọng Bình cho hay.
Theo số liệu của Cục Việc làm, tính đến tháng 10 năm 2023, cả nước có 132.381 lao động nước ngoài đang làm việc, trong đó: Số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 10.458 người (chiếm 7,8% trên tổng số người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam); số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là 121.923 (chiếm 92.2%), trong đó đã cấp mới giấy phép lao động cho 89.004 người và gia hạn cho 15.362 lao động, cấp lại cho 9.753 người số còn lại 7.863 người đang hoàn thiện các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Năm 2022, lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI đạt 5,09 triệu người (trong đó lao động nữ chiếm 61,2%), tăng 1,35 lần so với năm 2016. Bình quân mỗi năm thu hút thêm hơn 360 ngàn lao động vào làm việc. Tỷ lệ lao động được ký hợp đồng lao động đạt 98%, trong đó từ 30 đến 35% lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Báo cáo của các địa phương, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ trên 72% tập trung chủ yếu trong lĩnh vực như khoa học công nghệ, sản xuất trong các ngành điện tử, dịch vụ, giáo dục và đào tạo...
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung với nhiều điểm mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng lao động nước ngoài cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trước đây. Ông Nguyễn Hải Minh - Phó chủ tịch Eurocham khẳng định công tác quản lý, cấp giấy phép cho lao động nước ngoài là vấn đề rất quan trọng với các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đang tăng tốc để phát triển, cần thu hút nhiều vốn đầu tư vì thế cũng là thời điểm quan trọng để thu hút nguồn lao động nước ngoài có chuyên môn, kỹ thuật.
Thời gian tới, dự báo những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, đến tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Vì thế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định sẽ tập trung vào việc chỉ đạo, tiếp tục giải quyết các vấn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, Bộ này sẽ triển khai thực hiện tốt chính sách tuyển, quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam để vừa hỗ trợ doanh nghiệp có đủ lao động trình độ cao ở vị trí quan trọng. Đặc biệt, việc Nghị định 70/2023/NĐ-CP có nhiều điểm mới, thay đổi so với trước, do vậy thời gian đầu sẽ có những “lúng túng” nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo việc thực hiện cấp giấy phép phải “thông thoáng” và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.