Sáng ngày 27/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc BVTV, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại ĐBSCL.
Cảnh báo việc lạm dụng quá mức phân bón, thuốc BVTV
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) - cho biết, tính đến tháng 12/2020, tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành trong cả nước là 24.491 sản phẩm, trong đó phân bón vô cơ chiếm 80,4%, phân bón hữu cơ chiếm 19,6%. Trong tổng số phân bón cả nước đã được công nhận lưu hành, các tỉnh ĐBSCL có 5.265 sản phẩm (chiếm 21,5%). Long An là địa phương có số lượng phân bón được công nhận lưu hành nhiều nhất với 2.403 sản phẩm (chiếm 9,8% so với cả nước và 45,6% so với ĐBSCL).
Ông Lê Minh Hoan- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì Hội nghị |
Ông Hoàng Trung cho hay, tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ đang được sử dụng cao hơn 35,3% so với trung bình toàn quốc trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3% so với trung bình toàn quốc. Cá biệt, có tỉnh như Bến Tre có lượng sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần lượng trung bình toàn quốc. Tương tự, với thuốc BVTV hóa học, lượng sử dụng tại khu vực này đang cao hơn mức trung bình toàn quốc là 71,9%, trong đó phải kể đến Tiền Giang, Đồng Tháp có mức sử dụng thuốc BVTV hóa học gấp xấp xỉ 3 lần so với trung bình toàn quốc.
Đáng chú ý, có tình trạng “lách luật” đưa các hoạt chất thuốc BVTV có tác dụng phòng trừ sinh vật gây hại vào các cửa hàng vật tư nông nghiệp để bán dưới dạng chế phẩm đăng ký với cơ quan Y tế tại nhiều địa phương gây đến hiểu nhầm và sử dụng sai mục đích, kỹ thuật làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và an toàn thực phẩm. Việc thu gom bao bì, thuốc BVTV đã được triển khai nhưng chưa rộng khắp ở các địa phương, nhiều nơi còn chưa chú trọng đến công tác này. Ngoài ra, các điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng chỉ tập trung chính ở các vùng sản xuất lúa mà chưa triển khai rộng ở các vườn cây ăn trái, rau màu và các cây trồng khác.
ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trên 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước. Tuy nhiên, việc dùng phân bón và thuốc BVTV được đánh giá chưa hiệu quả khiến chất lượng và giá trị nông sản ở đây chưa thực sự bền vững.
Nếu không được giải quyết, điều này sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch. Không chỉ có vậy, việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón còn làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm thu nhập của người nông dân.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các nước nhập khẩu đều có xu hướng nâng cao quy định kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, tạo ra rào cản đối với nông sản nhập khẩu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với các mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn.
Lạm dụng phân bón, thuốc BVTV dẫn tới hệ lụy rất lớn không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn làm tăng giá thành sản phẩm, qua đó làm giảm thu nhập của người nông dân |
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - đề nghị cần có đánh giá chi tiết và cụ thể hơn nữa việc sử dụng các vật tư nông nghiệp. Chúng ta không chỉ đánh giá về các dư lượng thuốc BVTV ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn đánh giá cả việc cần phải tiết kiệm trong sử dụng hơn nữa, cần minh bạch và có sự bền vững trong sản xuất.
Nhấn mạnh đến sự minh bạch, trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp cũng như thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu cần minh bạch công khai từ sử dụng phân bón, thuốc BVTV đến trách nhiệm của người sản xuất, tiêu dùng và xã hội.
“Các doanh nghiệp muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Phải thiết lập được hệ sinh thái hay liên minh của những doanh nghiệp có trách nhiệm đối với nền nông nghiệp, trách nhiệm đối với nông dân và trách nhiệm với thương hiệu quốc gia về nông sản”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Nhằm hướng đến hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững, bên cạnh việc tập huấn về kiến thức liên quan đến sử dụng hợp lý và hiệu quả phân bón, thuốc BVTV cho nông dân, doanh nghiệp… cần khuyến khích áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như “3 giảm, 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng các sản phẩm vật tư đầu vào thế hệ mới, thông minh, an toàn với môi trường để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.
Ông Hoàng Trung cho biết, Cục BVTV sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, buôn bán, nhập khẩu; xử lý triệt để và công khai kết quả thanh tra, giám sát; thông tin các cơ sở có phát hiện vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các chương trình thanh tra, kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm; trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm đang gây bức xúc về chất lượng an toàn thực phẩm như phân bón, thuốc BVTV.
Lượng phân bón sử dụng trung bình cả nước là 753 kg/ha gieo trồng, cao hơn so 4 với mức trung bình trên thế giới. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071 kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. |