Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020. Đây là cơ hội lớn không chỉ với Việt Nam mà còn với Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương để tăng cường hội nhập kinh tế, thúc đẩy hoạt động đầu tư tại Việt Nam và Singapore, hai nước đã ký FTA với EU”.
Đại sứ cho biết: “Đại dịch Covid 19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, thương mại toàn cầu, thủ tục hành chính cồng kềnh tại mỗi nước cũng phần nào gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp, Chính phủ các nước cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống hành chính để giúp tăng cường kết nối và hội nhập khu vực Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương”.
Đại sứ Phạm Sanh Châu |
Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, các nước đã áp dụng những biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nghiêm ngặt dẫn đến dòng luân chuyển thương mại bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng, tại Ấn Độ, kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm tới gần 60% trong tháng 4. Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ cũng bị tác động, theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 4,2 tỷ USD, giảm hơn 20% so với 5,5 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thương mại bắt đầu tăng trưởng trở lại, trong tháng 6, thương mại tăng 72% so với tháng 5 và gần đạt tới mức bình thường năm 2019 trước Covid-19, khoảng 1 tỷ USD/tháng.
Để làm được điều đó, yêu cầu quyết tâm chính trị của cả các nước trong khu vực, khi doanh nghiệp gặp khó khăn các cơ quan hành chính cần tích cực hỗ trợ giải quyết vướng mắc, do đại dịch Covid-19 Ấn Độ chuyển sang cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử, việc này chưa có tiền lệ và chưa được quy định trong các hiệp định thương mại tư do ASEAN - Ấn Độ, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đồng hành cùng Ấn Độ và các nước ASEAN giải quyết được vướng mắc này.
Gần đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã hỗ trợ giải quyết 58 container hồ tiêu mắc kẹt gần khu vực biên giới Ấn Độ và Nepal, đây là việc chưa có tiền lệ, các bên đều gặp khó khăn, lúng túng về quy trình thủ tục, nếu không có sự quyết tâm chính trị thì khó có thể giải quyết được.
Mặc dù kết nối giữa Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương đã đạt được những kết quả nhất định trong 5 năm qua, tuy nhiên vẫn còn chậm. Các dự án kết nối đa phương tiện giữa vùng Đông Bắc Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan vẫn chưa vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ, chưa nói gì đến việc mở rộng đến Campuchia Lào và Việt Nam.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN lần thứ 13 tại Kuala Lumpur vào tháng 11/2015, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố gói tín dụng 1 tỷ USD để tăng cường kết nối Ấn Độ - ASEAN nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Kết nối đường biển cũng tương tự.
Về hội nhập khu vực, rất tiếc vào tháng 11/2019 Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi RCEP sau 7 năm đàm phán, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam luôn hoan nghênh và chào đón Ấn Độ tham gia vào thời điểm thích hợp. ASEAN và Việt Nam luôn đồng hành cùng Ấn Độ trao đổi về những khó khăn, vướng mắc về các hiệp định thương mại tự do.
Gian hàng Thương vụ |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến dòng luân chuyển thương mại và kinh tế toàn cầu, các nước Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương cần thúc đẩy tự do hóa thương mại, hạn chế áp dụng các rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Song song với Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức các gian hàng trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hàng hóa, dịch vụ trong 6 nhóm lĩnh vực chủ yếu như công nghệ sinh học, dược phẩm và y tế; nông sản và các sản phẩm liên quan; năng lượng, năng lượng tái tạo, điện; chuỗi cung ứng và logistics/ hậu cần; thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông; chuỗi giá trị sản xuất… Hội chợ thu hút được khoảng 200 gian hàng của các doanh nghiệp và cơ quan ngoại giao tại Ấn Độ và các nước trong khu vực.
Trong thời gian diễn ra hội chợ sẽ có các buổi giao thương trực tuyến, hội nghị bàn tròn giữa giám đốc điều hành (CEO) các tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ các nước tham dự, với chủ đề về cơ hội thương mại và đầu tư trong bối cảnh hiện nay; các phiên thảo luận chuyên đề về 6 lĩnh vực nêu trên.
Buổi giao thương trực tuyến dành riêng cho Việt Nam, có chủ đề “Việt Nam - Ấn Độ: Hợp tác cùng phát triển”, sẽ diễn ra từ 9h00-10h15 (giờ Ấn Độ), tức 10h30-11h45 (giờ Việt Nam), ngày 6/8/2020, với sự tham dự của ông Phạm Sanh Châu; Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Pranay Verma; Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, Đại diện của Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số tập đoàn, doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam như HCL, Exim Bank, Tâm Việt, Ishan International Pvt...
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và hội chợ triển lãm trực tuyến Ấn Độ - ASEAN - châu Đại Dương kéo dài tới hết ngày 6/8/2020.