FTA Việt Nam – Israel: Mở ra chương mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam – IsraelFTA Việt Nam - Israel: Hàng hóa nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vuasanca xung quanh vấn đề này.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (FTA Việt Nam - Israel) vừa kết thúc đàm phán ngày 2/4 vừa qua. Sau khi hoàn tất các công việc kỹ thuật cần thiết, Việt Nam và Israel dự kiến sẽ ký Hiệp định và hoàn thiện thủ tục pháp lý của mỗi nước để triển khai Hiệp định trong thời gian sớm nhất. Đối với rau quả, FTA này sẽ tác động như thế nào đến mặt hàng này, thưa ông?
Israel là thị trường nhỏ, quy mô dân số không nhiều và khá xa Việt Nam. Do đó, nhu cầu tiêu thụ trái cây của họ không mạnh. Mặt khác, đây lại là nước có nền nông nghiệp phát triển rất cao.
Thanh long, một trong số các mặt hàng trái cây được đánh giá sẽ hưởng lợi khi FTA Việt Nam – Israel được ký kết |
Tuy nhiên, chúng ta có thể buôn bán được với thị trường này một số loại đặc sản mà thị trường này không có hoặc họ trồng ít. Trong đó, những mặt hàng mà chúng ta cạnh tranh được với thị trường Israel có thể kể đến như thanh long, sầu riêng, chuối, vú sữa. Tuy nhiên, đối với mặt hàng chuối, chúng ta sẽ phải cạnh tranh rất lớn với các nước châu Phi tại thị trường này.
Đối với các sản phẩm cây có múi như cam, quýt hay trái lựu thì chúng ta không thể cạnh tranh lại được. Bởi kế bên Israel có thị trường Ai Cập. Châu thổ sông Nin nằm ở phía bắc Ai Cập, nơi con sông mở rộng và đổ ra Địa Trung Hải.
Đồng bằng sông Nin tại Ai Cập không thua gì đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nên các loại trái cây của họ phát triển rất mạnh. Đặc biệt là các loại trái cây có múi, chất lượng rất tốt, quả đẹp và thơm ngon.
Mấy ngày gần đây, các doanh nghiệp Ai Cập tìm tôi để chào hàng cam, quýt, bưởi,… Sản phẩm cây có múi của họ mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon, đưa vào chế biến cũng rất tốt. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có FTA với Ai Cập, hàng của họ vào Việt Nam sẽ bị đánh thuế cao, thậm chí chúng ta không cho nhập.
Hiện, có nhiều ý kiến nhận định, FTA Việt Nam - Israel sẽ tạo bước tiến quan trọng để có thể thâm nhập thị trường Trung Đông thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Dự kiến FTA với Israel được ký kết trong năm nay để mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng. Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan; đồng thời, coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân...
Từ kinh nghiệm thực tế, tôi cho rằng, với thị trường Ấn Độ, dân đông nhưng "túi tiền" của họ lại ít, nên số lượng người tiêu thụ trái cây không nhiều. Ấn Độ cũng trồng trọt nhiều mặt hàng giống Việt Nam, ví dụ như trái xoài, sản lượng của họ lớn nhất thế giới. 1 năm sản lượng xoài của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn trở lại thì sản lượng của họ hơn 20 triệu tấn, cao gấp 20 lần của Việt Nam. Nhiều khi nông nghiệp của chúng ta còn phải học tập người dân Ấn Độ.
Mặt khác, Việt Nam và Ấn Độ chưa có FTA nào, do đó, việc mua bán gặp nhiều khó khăn, hàng Việt Nam qua Ấn Độ sẽ phải đóng thuế rất cao, có những mặt hàng lên đến 70% thuế suất, thấp thì cũng khoảng 40 - 50% thuế nhập khẩu. Họ dùng hàng rào thuế quan để bảo vệ thị trường của họ. Chỉ có mặt hàng duy nhất mình bán được ở Ấn Độ nhờ họ hạ thuế suất là mặt hàng thanh long.
Với thị trường UAE chúng ta cũng có thể xuất khẩu được. Tuy nhiên, những thị trường này, quy mô dân số không nhiều. Thêm vào đó là nhiều nước mang hàng đến thị trường này để bán, do đó, trái cây Việt sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn từ thị trường này.
Quý I/2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tăng trưởng âm. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung đang gặp khó, việc đẩy mạnh đàm phán các FTA để mở cửa thị trường, trong đó, có những thị trường ngách mà trước nay chúng ta vẫn chưa chú trọng đến là việc cần thiết, ông nhận định như thế nào về việc này?
Thị trường giống như một dòng nước, khi chúng ta bịt chỗ này thì hàng hóa sẽ kiếm chỗ khác để “chảy” chứ không thể đứng im một chỗ. Và thị trường ngách cũng là cách để chúng ta tiêu thụ hàng hóa.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam |
Tuy nhiên, bên cạnh việc khơi thông thị trường, việc đi thị trường ngách đòi hỏi doanh nghiệp phải có được công nghệ bảo quản, chế biến cao. Bởi các thị trường ngách thường nằm ở xa khu vực thị trường truyền thống mà doanh nghiệp đang khai thác.
Như hiện chúng ta đang xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, chúng ta cũng mới đang bán chủ yếu xung quanh cảng đến, còn việc đi vào sâu thì chúng ta lại rất khó do công nghệ bảo quản trái cây của chúng ta chưa cao.
Ví dụ như trái thanh long, công nghệ bảo quản của chúng ta mới chỉ có thể để được trong khoảng thời gian 35 - 40 ngày và cảng Thượng Hải là cảng nhập thanh long. Việc tiêu thụ cũng chỉ mới diễn ra tại các khu vực xung quanh Thượng Hải. Còn nếu chúng ta muốn bán được ở các thị trường xa thì thanh long của chúng ta phải bảo quản được ít nhất 60 ngày.
Cùng với công nghệ bảo quản, chúng ta cũng cần có công nghệ chế biến thì mới có thể đi được và chiếm lĩnh được thị trường ngách. Chứ nếu chúng ta vẫn cứ sản xuất, chế biến như phương thức truyền thống thì dù có thêm các FTA thì việc nông sản, trái cây Việt đến được các thị trường ngách vẫn là những thách thức không nhỏ.
Việc có thêm các FTA được ký kết, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu, chúng ta có thể tiếp cận các vấn đề về khoa học công nghệ của các thị trường, ông bình luận gì về việc này?
Đúng vậy, khi chúng ta ký kết các FTA, các doanh nghiệp bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu thì còn có cơ hội tiếp cận công nghệ và buộc phải tiếp cận công nghệ cũng như đầu tư, tìm hiểu và thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Nhất là các FTA với các nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao như EU, Mỹ, Nhật Bản,… thì doanh nghiệp của chúng ta bắt buộc phải chuyển biến theo yêu cầu của thị trường. Việc này cũng xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp xác định việc đầu tư máy móc và bán được sản phẩm vào các thị trường này đồng nghĩa họ sẽ thu được lợi nhuận nhiều hơn.
Rõ ràng, khi càng nhiều các FTA được ký kết thì sẽ mở ra càng nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp nói riêng và dòng chảy hàng hóa của Việt Nam nói chung.
Xin cảm ơn ông!