Giờ thực hành của lớp điện tử trường Cao đẳng nghề Hà Nội.
CôngThương - Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Đình Đức, đến hết tháng 4/2013, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 42.500 người, bằng 30,4% kế hoạch; xét duyệt 192 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 24,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.600 lao động. Mạng lưới cơ sở dạy nghề tính đến cuối năm 2012 đã phát triển lên 276 cơ sở (tư thục chiếm đến 66,7%), nhưng 4 tháng qua, chỉ tuyển sinh và đào tạo cho 22.500 lượt người và chủ yếu là hệ ngắn hạn, dạy nghề thường xuyên.
Nhận định về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều ý kiến cho rằng chưa đạt như mục tiêu đề ra. Từ năm 2010 - 2012 đã có 39.079 người, với tổng kinh phí là 75.936 triệu đồng được đào tạo (trong đó 11.053 người học nghề nông nghiệp), tỷ lệ đạt việc làm tối thiểu là 70%, một số nghề tỷ lệ lao động có việc làm đạt gần 100% như may công nghiệp, trồng nấm, điêu khắc…, nhưng việc giải ngân kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn đạt tỷ lệ thấp (57,4%). Tỷ lệ người lao động được tiếp cận nguồn vốn vay sau học nghề cũng chỉ dừng ở mức 7%.
Ngày 9/5, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các quận, huyện đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Trong đó, ngoài các hoạt động thăm hỏi, tu bổ, sửa sang nghĩa trang liệt sĩ, mục tiêu trọng tâm đặt ra là sửa chữa, xây mới 380 nhà ở cho các hộ gia đình người có công khó khăn, tặng 4.050 sổ tiết kiệm tình nghĩa, không để hộ gia đình người có công tái nghèo. |
Kết quả điều tra về thực trạng cung và cầu học nghề tại nông thôn cũng cho thấy những con số chênh lệch. 100% địa phương hoàn thành công tác điều tra nhu cầu học nghề của 2.129.469 lao động trên địa bàn 20 huyện, nhưng chỉ có 131.185 người có nhu cầu học nghề. Trong khi đó, kết quả điều tra nhu cầu bổ sung lao động qua đào tạo nghề giai đoạn 2011 - 2015 của 8.320 công ty, doanh nghiệp lại có nhu cầu 311.106 người, trong đó ngành công nghiệp và xây dựng chiếm tới 78,5%.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát các chỉ tiêu đã đề ra, đảm bảo đầy đủ chính sách an sinh xã hội; đào tạo nghề và giải quyết việc làm phải gắn liền với nhau trong quan điểm chỉ đạo. Trước hết, các địa phương tăng việc khảo sát nhu cầu thực tế về khả năng đào tạo của cơ sở dạy nghề, số lượng người có nhu cầu học nghề và tuyển dụng của doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề - sản xuất và nơi quản lý người lao động; mở rộng các sàn giao dịch việc làm… Đây là một hướng đi hiệu quả TP đang hướng tới và thực tế đã triển khai được với nhiều doanh nghiệp; phải thúc đẩy được tỷ lệ học nghề và giải quyết việc làm tăng cao hơn nữa bằng đào tạo theo đơn đặt hàng. Phó Chủ tịch TP nhấn mạnh: Các địa phương cần lưu ý đến mục tiêu giảm nghèo bền vững (theo chỉ tiêu là giảm 1%, tương đương 16.000 hộ) bằng việc rà soát lại các đối tượng nghèo, mới thoát nghèo, cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; tổ chức nghiên cứu thực hiện thêm giải pháp hỗ trợ vốn vay cho hộ mới thoát nghèo, tránh tái nghèo…