Sự bùng nổ của AI đặt ra yêu cầu gì với nguồn nhân lực? Thông báo tuyển dụng viên chức nguồn nhân lực trình độ cao năm 2024 Nâng chất nguồn nhân lực để thêm cơ hội việc làm tốt |
Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao
Sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Ảnh: QH |
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ trương nhất quán và xuyên suốt thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng từ Đại hội XI trở lại đây. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược.
Các chủ trương, định hướng về phát triển nhân lực, nhân lực chất lượng cao được quy định ở rất nhiều văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan; phạm vi nội dung rộng, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Đoàn Giám sát đề xuất phạm vi nội dung giám sát tập trung hai nhóm vấn đề cơ bản là: Phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nội dung giám sát tập trung vào 4 nội dung chính: Thứ nhất, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ; các Bộ gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính; Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Thông tin và Truyền thông...); Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Cùng với đó, là các cơ quan, tổ chức có liên quan, bao gồm: Một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố; các cơ quan, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực: Cơ sở đào tạo một số khối ngành trọng điểm, chất lượng cao (như sức khỏe, sư phạm chất lượng cao, luật, kinh tế, kỹ thuật...; một số trường chuyên, trường năng khiếu đào tạo nhân tài...); một số cơ sở giáo dục, đào tạo đặc thù (khối công an, quân đội; cơ sở đào tạo tạo nguồn đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...); cơ quan, tổ chức sử dụng lao động: Một số cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội.
Sẽ tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương
Về phạm vi giám sát, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay).
Các đại biểu tham dự phiên họp - Ảnh: QH |
Về phương thức giám sát, Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, tổ chức hội nghị triển khai hoạt động của Đoàn giám sát. Trong thời gian giữa các phiên họp, Đoàn giám sát ủy quyền cho Thường trực Đoàn giám sát tổ chức các cuộc họp để xử lý công việc. Trong trường hợp cần thiết, Đoàn giám sát xem xét, cho ý kiến bằng văn bản hoặc thông qua ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp.
Xem xét báo cáo của các đối tượng chịu sự giám sát; xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc đối tượng giám sát; tổ chức cuộc họp, cuộc làm việc của Đoàn giám sát với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cùng với đó, đề nghị 12 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hà Nam, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, An Giang) chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề tại địa phương và gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của Đoàn giám sát.
Khuyến nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội còn lại lựa chọn nội dung, phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả giám sát về Đoàn giám sát.
Đặc biệt, tổ chức các Đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh. Địa bàn cụ thể, nội dung và hình thức làm việc do Trưởng Đoàn giám sát quyết định và có chương trình riêng căn cứ vào yêu cầu thực tế…
Căn cứ yêu cầu thực tế, Trưởng Đoàn giám sát quyết định mời chuyên gia; đại diện một số tổ chức thành viên của Mặt trận và đại diện các cơ quan có liên quan tham gia các hoạt động của Đoàn giám sát. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, tham vấn chuyên gia.
Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ báo cáo các kết quả kiểm toán, kết luận thanh tra liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát.