Hiện nay, NHCSXH có 10.950 Điểm giao dịch xã, 179.394 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng nguồn vốn đạt hơn 210.000 tỷ đồng, dư nợ đạt trên 198.000 tỷ đồng với gần 7 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong nhiều năm qua, NHCSXH đã tiến hành các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng nói riêng và tại Việt Nam nói chung như: Mở rộng tiếp cận khách hàng; tăng cường giáo dục tài chính cho các đối tác và khách hàng; các sản phẩm của NHCSXH luôn hướng đến sự thuận tiện cho khách hàng; tăng cường bảo đảm quyền lợi khách hàng và ứng dụng tài chính kỹ thuật số trong hoạt động.
App giáo dục tài chính đảm bảo có sự nghiên cứu, khảo sát có phân tách giới, nhằm đáp ứng được nhu cầu đặc thù của phụ nữ trong vay vốn và sử dụng vốn |
Việc nghiên cứu giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế tiếp thông qua điện thoại di động nhằm cung cấp cho khách hàng một số bài học liên quan đến sản phẩm ngân hàng dành cho khách hàng, kỹ năng về quản lý tiền, chi tiêu, dự toán ngân sách gia đình, tiết kiệm và tín dụng từ đó khách hàng nâng cao được kiến thức của mình liên quan đến lĩnh vực ngân hàng và tài chính, từng bước làm quen với công nghệ số, góp phần thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo, Ban quản lý sáng kiến đã được tiến hành nghiên cứu khảo sát về nhu cầu giáo dục tài chính của khách hàng tại 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa và Quảng Ngãi. Kết quả khảo sát cho thấy trên 80% khách hàng được phỏng vấn đều nhận thức lợi ích của giáo dục tài chính đối với bản thân và gia đình. Trên cơ sở kết quả khảo sát, NHCSXH thiết kế và thử nghiệm phần mềm ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động (gọi tắt là App giáo dục tài chính) với giao diện, tính năng đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng, phù hợp với đối tượng hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Theo bà Lê Kim Thái, đại diện Tổ chức Oxfam: Khi thực hiện chương trình này, đối tượng cốt lõi luôn được quan tâm là phụ nữ, đảm bảo sự tham gia cũng như thụ hưởng chương trình của họ. Chính vì vậy, xuyên suốt các giai đoạn từ thiết kế chương trình đến triển khai đều có sự cân nhắc tới quyền của phụ nữ; đánh giá nhu cầu của những nhóm lao động nữ nhằm đảm bảo được ít nhất 50% đối tượng được khảo sát là phụ nữ ở các chi nhánh NHCSXH tại địa phương. Đến giai đoạn triển khai thí nghiệm chương trình App giáo dục tài chính này cũng đảm bảo có sự nghiên cứu, khảo sát có phân tách giới, nhằm đáp ứng được nhu cầu đặc thù của phụ nữ trong vay vốn và sử dụng vốn.
Chia sẻ thông tin tại buổi đàm, ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban HTQT&TT cho biết: Trên cơ sở thí điểm 6 tháng qua, dự án đạt được những thành công và vượt mục tiêu ban đầu đã đề ra, NHCSXH tiếp tục hợp tác với Oxfam triển khai giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện hơn nữa App giáo dục tài chính; đồng thời truyền thông, hướng dẫn sử dụng rộng rãi ứng dụng này tới khách hàng của NHCSXH.
Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế khẳng định, với những thành công bước đầu của dự án, trong thời gian tới NHCSXH sẽ tiếp tục phối hợp với Oxfarm truyền thông đào tạo, mở rộng tính năng và hướng dẫn sử dụng rộng rãi đến hộ nghèo, phụ nữ và các đối tượng yếu thế.