Tích tụ ruộng đất góp phần giảm diện tích sản xuất quy mô manh mún, nhỏ lẻ |
Mô hình hay ở Hà Nam
Năm 2013, UBND TP. Phủ Lý (Hà Nam) đã thực hiện tích tụ ruộng đất tại xã Phù Vân, sau đó giao cho Công ty Cổ phần (CP) An Phú Hưng triển khai trồng thí điểm 2ha đậu bắp. Sau thành công bước đầu, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Lý Nhân thực hiện tích tụ ruộng đất để cho DN thuê đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến tháng 1/2015, khoảng 300 hộ dân của xã Nhân Khang đã thống nhất cho Công ty CP An Phú Hưng và DN Nhật Bản thuê hơn 34ha đất bãi ven sông Châu triển khai Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Thời hạn thuê đất 20 năm với giá 120 kg ngô/sào/năm (giá ngô được tính tại thời điểm thanh toán)…
Việc tích tụ ruộng đất tại tỉnh Hà Nam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm quyền được nhà nước giao lâu dài của người dân (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hộ dân giữ và quản lý); chính quyền đứng ra thuê đất của dân rồi giao lại cho DN đầu tư sản xuất trên tinh thần bảo đảm lợi ích cao nhất cho người dân. Cùng với đó, các hộ dân có đất cho thuê sẽ được ưu tiên đào tạo và tuyển dụng vào làm công nhân nông nghiệp cho DN với mức lương ổn định.
Phải tạo ra thị trường đất nông nghiệp
Theo các chuyên gia, việc tích tụ ruộng đất đã góp phần giảm diện tích sản xuất quy mô manh mún, nhỏ lẻ, tạo ra lượng hàng hóa nông sản lớn, giá trị thu nhập cao và tạo điều kiện cho người nông dân tham gia vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ.
Trên thực tế, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Luật Đất đai 2013 đã tồn tại một số bất cập, cụ thể như Điều 129 quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp; hay Điều 130 về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất. Hạn mức này đang khiến nhiều DN không thể tích tụ ruộng đất, không thể tạo ra cánh đồng lớn để mở rộng sản xuất.
Hiện nay, một số địa phương “xé rào”, đứng ra đàm phán với nông dân để thu hồi đất, cho DN thuê lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chính quyền làm không tốt, người chịu thiệt hại chính là nông dân. Để nông dân không bị thiệt thòi khi giao đất cho DN, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) - cho rằng, cần phải tạo ra thị trường đất nông nghiệp. Thứ nhất là chuyển nhượng hẳn, ví dụ, những người không còn đủ sức lao động, có tiềm năng chuyển sang ngành nghề khác có thể sang nhượng đất nông nghiệp cho DN. Thứ hai đang được một số DN áp dụng, đó là DN thuê lại ruộng đất của nông dân, tổ chức lại sản xuất, nông dân làm như công nhân trong DN nhưng giữ sổ đỏ, quyền chứng nhận sử dụng đất. Thứ ba là góp đất với DN như một cổ đông đóng góp cổ phần vào công ty; DN đứng ra tổ chức sản xuất, chia lợi tức cho nông dân.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - một trong những mấu chốt để bảo đảm sự công bằng trong tích tụ đất đai là nhà nước cần quan tâm đến quyền tài sản đất đai của nông dân. Giá thị trường phải được bảo đảm. Nông dân nếu muốn rút khỏi nông nghiệp, có thể bán đất cho người có nhu cầu, hoặc nếu vẫn giữ đất, họ có thể góp vốn bằng quyền tài sản đất nông nghiệp, nhưng theo giá thị trường, chứ không phải với giá quá rẻ như hiện nay.
Ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm: Muốn thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp phải thúc đẩy, khuyến khích cho thuê đất; thời gian cho thuê phải bảo đảm để DN thu hồi vốn. |