Nhiều điểm mới từ Luật Hợp tác xã 2023
Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện nay, cả nước có gần 30.000 hợp tác xã, trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Nhiều loại hình hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo nên các chuỗi liên kết nông sản đa giá trị, bền vững…
Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu đến năm 2025, Hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở nông thôn, với trên 60% đạt loại tốt và khá. |
Đáng chú ý, tại kỳ họp thứ 5, ngày 20/6/2023, Quốc Hội khoá XV đã thông qua Luật Hợp tác xã năm 2023. Luật Hợp tác xã 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những bất cập về chính sách, từ đó tăng sức cạnh tranh cho hợp tác xã trong thời kỳ hội nhập.
Theo ông Vũ Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Hợp Tiến (Ninh Bình), nếu như trước đây, các hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong mở rộng thị trường, huy động vốn do Luật Hợp tác xã 2012 quy định giới hạn về việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thì nay đã được bãi bỏ. Thay vào đó, Luật trao quyền cho hợp tác xã tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, nhằm giúp hợp tác xã phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.
Hiện Luật Hợp tác xã 2023 cũng bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi tổ hợp tác lên hợp tác xã tương tự như chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cần thêm các chính sách hỗ trợ
Để chính sách về vốn đi vào cuộc sống, nhiều hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội cho rằng, các quỹ phát triển hợp tác xã, ngân hàng… cần sớm nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức cho vay tín chấp, ủy thác, giải ngân ngay tại cơ sở như Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện. Điều này sẽ giúp các hợp tác xã tiếp cận vốn một cách thuận lợi hơn.
Theo bà Cao Thị Thủy - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa), hiện các ngân hàng cũng như quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã chỉ cho hợp tác xã vay vốn theo hình thức thế chấp tài sản, lãi suất chưa ưu đãi hấp dẫn, chưa thực hiện theo hình thức tín chấp. Điều này khiến các hợp tác xã gặp khó khăn trong việc đầu tư thêm máy móc, phương tiện sản xuất...
Liên quan đến vấn đề đất đai cho hợp tác xã, ông Cao Văn Tuyến - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức - cho biết, các văn bản dưới luật cần chi tiết, cụ thể hơn về thời hạn, thủ tục, điều kiện… để hợp tác xã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, như: Chính quyền xã có trách nhiệm rà soát quỹ đất công, bố trí vị trí quỹ đất phù hợp và ngành Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ pháp lý liên quan thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã...
Có thể thấy, điều quan trọng nhất trong kinh nghiệm phát triển hợp tác xã từ các nước là các chính sách đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp với đặc thù của các thành viên hợp tác xã. Bởi một trong những thách thức của hợp tác xã hiện nay chính là gặp khó trong quản lý, ứng dụng công nghệ, kinh doanh do thành viên phần lớn là nông dân trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu, nông sản cần nâng cao chất lượng.
Chính vì vậy, PGS, TS Mai Quang Vinh - Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam - cho rằng, để các chính sách hỗ trợ trong Luật Hợp tác xã 2023 đi vào thực tiễn, cơ quan quản lý cần phải phân biệt rõ những chính sách nào cần thí điểm để đánh giá, sau đó nhân rộng thì mới hiệu quả. Chẳng hạn như chính sách miễn giảm thuế có thể thực hiện hỗ trợ trong 2 - 3 năm đầu, nếu sau khi hỗ trợ, hợp tác xã tiếp tục phát triển thì nên thực hiện miễn thuế để tạo động lực cho hợp tác xã phát triển.
Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay, hợp tác xã không thể không chuyển đổi số nên điều quan trọng là cần tạo các nền tảng công nghệ, ứng dụng mà hợp tác xã có thể dùng chung được. Tiêu biểu như phần mềm quản lý chất lượng sản phẩm, cần có sự thống nhất để các hợp tác xã có thể dùng mới tạo được sự đồng đều, thống nhất trong chất lượng và quản lý. Và để làm được điều này cần có sự hỗ trợ cụ thể cho hợp tác xã.
Theo các chuyên gia, để đưa Luật Hợp tác xã 2023 vào cuộc sống, rất cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của chính các hợp tác xã.