Ông Nguyễn Anh Dũng - Chánh Văn phòng, người phát ngôn thành phố Hà Nội - cho biết tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2022 ước đạt 45.872 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, bằng 111,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi ngân sách địa phương ước đạt 5.264 tỷ đồng, đạt 4,9% dự toán đầu tư năm, bằng 113,1% so với cùng kỳ. Thành phố đang thực hiện tốt các giải pháp phục hồi, tập trung phát triển nền kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tháng 1/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Hà Nội: Các chỉ số kinh tế tháng 1/2022 tăng so với cùng kỳ |
Cụ thể, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1/2022 tăng trên 2 con số so với cùng kỳ. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.563 triệu USD, giảm 3,6% so với tháng 12/2021 và tăng 32,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.498 triệu USD, giảm 0,4% so với tháng 12/2021 và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2022 giảm 8,3% so với tháng 12/2021 và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so với tháng 12/2021 và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, ông Nguyễn Anh Dũng cho hay, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (3 tháng trước, trong và sau Tết) với tổng giá trị ước đạt 39.000 tỷ đồng, tương đương kế hoạch năm 2021. Các doanh nghiệp khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% đến 15% so với năm 2021. Đồng thời, đảm bảo tốt nhất nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi; chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng gấp và có biến động xảy ra. Hỗ trợ 26 tỉnh, thành phố và 2.000 sản phẩm OCOP các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ trên 300.000 tấn hàng từ các địa phương; nhiều sản phẩm được đưa vào 57 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP.
Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 1/2022 ước đạt 12.594 tỷ đồng. tăng 4,1% so với tháng 12/2021 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Du lịch thành phố khởi sắc trong những tháng đầu năm mới, đặc biệt là du lịch nội địa. Khách quốc tế tháng 1/2022 ước đạt 17 nghìn lượt khách, tăng 5,1% so với tháng 12/2021 và giảm 22,5% so với cùng kỳ. Khách nội địa ước đạt 126 nghìn lượt khách, tăng 3,2% so với tháng 12 và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Thu hút FDI tính đến ngày 20/1/2022 là 442 triệu USD. Điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án ngoài ngân sách với số vốn 73 tỷ đồng. Ước tháng 1/2022 có 2.253 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 20.231 tỷ đồng, tăng 9% về số lượng doanh nghiệp và giảm 5% vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán trên địa bàn cũng đã được các đơn vị sở, ngành triển khai, đảm bảo tổ chức cho nhân dân đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “mọi người, mọi nhà đều có Tết”.
Một nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo triển khai là việc thăm, chúc Tết, tặng quà các đối tượng chính sách; các tổ chức, cá nhân tiêu biểu nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Quan tâm hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tổ chức đưa người tâm thần, lang thang cơ nhỡ về các cơ sở để nuôi ăn, chăm sóc chu đáo.
Trong tháng 1/2022, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 12.566 lao động; tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổ chức 21 phiên giao dịch việc làm với 557 đơn vị, doanh nghiệp và tuyển dụng được 1.378 lao động tại phiên.
Về công tác bảo đảm an sinh xã hội, Hà Nội đã tập trung rà soát tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện hỗ trợ Tết Nguyên đán …, không để người dân bị thiếu đói, đảm bảo mọi người dân được vui Tết, đón Xuân no ấm. Tính đến ngày 25/01/2022, thành phố đã trao tặng hơn 1.853 nghìn suất quà cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí gần 691,3 tỷ đồng; đã chi trả trợ cấp tháng 1/2022 và tháng 2/2022 cho 83,2 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng với số tiền 350 tỷ đồng; trên 196 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng cũng được nhận trợ cấp theo quy định.
Tại cuộc họp báo, các vấn đề như: Hà Nội đã tiêm được khoảng 14,5 triệu mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó đạt tỷ lệ 98,3% người trên 50 tuổi tiêm mũi 2, vậy thành phố đã xây dựng lộ trình, thời gian cho phép quán karaoke, quán massage, rạp chiếu phim… hoạt động bình thường trở lại trong thời gian tới chưa?. Bên cạnh đó, kể từ khi Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800 của Bộ Y tế ban hành, Hà Nội thường xuyên ghi nhận nhiều đơn vị cấp phường, xã, thị trấn là "vùng xanh" (dịch ở cấp độ 1). Vậy tại sao thành phố không áp dụng các biện pháp hành chính tương xứng với dịch ở cấp độ 1 ở quy mô nhỏ nhất là cấp xã, phường, thị trấn, trong đó có việc để cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar… "vùng xanh" được phép hoạt động?.
Trả lời câu hỏi nêu trên, ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - khẳng định, thời gian vừa qua, Hà Nội luôn thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định 4800 của Bộ Y tế. Trên cơ sở đánh giá mức độ dịch bệnh, thành phố đã áp dụng ngay các biện pháp hành chính phù hợp với cấp độ dịch. Hiện mức độ áp dụng các biện pháp hành chính đang được thành phố thực hiện trên quy mô từng xã phường, thị trấn.
Riêng các hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện như: vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, rạp chiếu phim…, ông Cương cho biết, dưới góc độ chuyên môn thì những loại hình kinh doanh nêu trên hoạt động trong không gian kín, thường tập trung đông người.... Khi đó, khả năng lây nhiễm bệnh rất lớn dù người tham gia hoạt động đã được tiêm vaccine đầy đủ nhưng không phải là không mắc Covid-19 và không lây nhiễm. Do đặc thù đặc biệt của các loại hình kinh doanh này nên căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế diễn ra trên địa bàn thành phố, các cơ quan liên quan sẽ để các loại hình kinh doanh đặc biệt này hoạt động trở lại vào một thời điểm phù hợp.