Vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại
Năm 2019, TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm 3 sao; đạt 100,3% kế hoạch của năm. Trong đó, nhóm ngành thực phẩm có 243 sản phẩm; nhóm ngành đồ uống 3 sản phẩm; nhóm ngành thảo dược 2 sản phẩm; nhóm ngành vải và may mặc 10 sản phẩm; nhóm ngành lưu niệm, nội thất, trang trí là 43 sản phẩm.
Trong thời gian qua, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại của Chương trình OCOP của Hà Nội đã được triển khai. Thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, các sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền bước đầu được người tiêu dùng nhận diện thương hiệu sản phẩm OCOP và đánh giá cao về chất lượng, phong phú về chủng loại và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã và đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô.
Hà Nội đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng |
Bên cạnh kết quả đạt được thì theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển các sản phẩm OCOP của TP còn gặp một số khó khăn, tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nhiều sản phẩm được sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ; một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô sô, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm thấp, giá trị giá tăng của sản phẩm khi đưa ra thị trường chưa cao.
Nhiều sản phẩm trước khi tham gia dự thi mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ theo yêu cầu như: Thiếu kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đại lý…. Bên cạnh đó, nhãn hiệu, bao bì vẫn còn đơn giản chưa bắt mắt khách hàng tiềm năng; đặc biệt câu chuyện sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương. Hồ sơ tài liệu liên quan đến sản phẩm dự thi nhiều, mặc dù các chủ thể đã được tập huấn, hướng dẫn nhưng vẫn còn nhiều lúng túng khi triển khai.
Mặc dù công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP đã được chú trọng triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên còn chưa khai thác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại trên các mạng xã hội để sản phẩm OCOP được nhiều nhóm khách hàng tiềm năng biết đến. Mặt khác, hiện chưa có hướng dẫn chung sử dụng nhãn mác in trên bao bì sản phẩm OCOP nên người tiêu dùng còn khó nhận diện nhãn hiệu sản phẩm OCOP.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại
Năm 2020, bên cạnh việc triển khai rà soát đánh giá phân hạng các sản phẩm mới dự thi, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng năm 2019 để dự thi nâng sao; hoàn thiện và tổ chức, đánh giá phân hạng 700 sản phẩm trở lên. Bên cạnh đó, sẽ lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu để hoàn thiện, nâng cấp dự thi cấp TP năm 2020. Hoàn thiện hồ sơ những sản phẩm tiềm năng 5 sao được đánh giá phân hạng năm 2019 và 2020 trình TP để dự thi đánh giá của Trung ương trước tháng 8/2020.
Để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, các sản giao dịch điện tử, bán hàng online… nhằm đưa sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm và sử dụng.
Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND, triển khai mô hình chỉ đạo điểm Chương trình OCOP TP Hà Nội năm 2020. Theo kế hoạch, TP sẽ tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa từng vùng miền tại các tuyến phố đi bộ của TP Hà Nội. Trong đó, tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền. Đồng thời, giới thiệu một số sản phẩm đặc sản của một số doanh nghiệp nước bạn như: Lào, Thái Lan, Nhật Bản... nhằm tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương. Quy mô sự kiện khoảng 150 gian hàng. Sự kiện sẽ được diễn ra trong 5 ngày tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn).
Bên cạnh đó, TP chỉ đạo tổ chức khảo sát, lựa chọn các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chí quy định do Bộ Công Thương ban hành. TP cũng sẽ tổ chức hội nghị triển khai, kết nối giới thiệu điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp TP. Tổ chức lễ khai trương các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…
Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động kết nối, Hà Nội cũng sẽ nâng cấp phần mềm hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm sản của TP (hn.check.net.vn), trong điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP Hà Nội. Xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đồng bộ từ cấp TP đến cấp huyện, xã. Hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm OCOP đã được TP quyết định công nhận cấp sao. Ban hành Hướng dẫn về quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP, thứ hạng sao lên tem, bao bì, nhãn mác các sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên của TP để thuận lợi trong công tác quản lý và nhận diện sản phẩm OCOP.
Hiện, Hà Nội có 1.138 HTX nông nghiệp; 2.912 trang trại; 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp; có trên 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code. Các chuyên gia cho rằng, đây chính là cơ sở tiềm năng lựa chọn sản phẩm để hoàn thiện, đánh giá phân hạng và dự thi sản phẩm OCOP đối với TP Hà Nội.