Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề; hơn 5.000 sản phẩm nông sản được gắn mã truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR code… Từ lợi thế này, Hà Nội phấn đấu năm 2020 sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng từ 800 - 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm trở lên được đánh giá, xếp hạng cấp thành phố (TP) (hạng 3-4 sao), 100 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng cấp quốc gia (hạng 5 sao). Để được công nhận, các sản phẩm OCOP phải đáp ứng yêu cầu có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; mẫu mã, bao bì đẹp...
Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Hà Nội vừa có báo cáo kết quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) TP. Hà Nội năm 2019. Đến nay, toàn TP đã có 301 sản phẩm của 18 quận, huyện, thị xã được Hội đồng TP đánh giá, phân hạng, Trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm 4 sao; 88 sản phẩm được TP cấp 3 sao.
Hội chợ hàng nông sản thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô năm 2019 thu hút rất đồng người tham quan và mua sắm |
Đáng chú ý trong năm 2019, TP đã chỉ đạo tổ chức 4 sự kiện kết nối tiêu thụ đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP tại huyện Thường Tín, Big C Thăng Long và phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ (2 lần). Bên cạnh đó là tôn vinh các sản phẩm OCOP tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019. Đồng thời, giới thiệu 200 sản phẩm của 10 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk. Các hoạt động này đã góp phần quan trọng để sản phẩm OCOP thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm nông sản nói chung và OCOP nói riêng, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long - cho biết, hiện trên các kệ của siêu thị Big C có 50 sản phẩm OCOP được bày bán. Người tiêu dùng đánh giá cao tính truyền thống và rất thích lựa chọn các sản phẩm OCOP; nhiều sản phẩm đạt doanh số cao như mỳ chũ Bắc Giang; giò me xứ Nghệ; nước mắm Cái Rồng Quảng Ninh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện đầu ra đối với sản phẩm OCOP vẫn là trăn trở của không ít doanh nghiệp, HTX, nông dân. Để tháo gỡ khó khăn này, mới đây, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 652/KH-SCT triển khai thực hiện Chương trình OCOP ngành Công Thương Hà Nội năm 2020. Theo đó, năm 2020, Sở Công Thương tiếp tục khảo sát lựa chọn các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Cụ thể, tại khu vực các cửa hàng ở nhà ga, sân bay, bến xe, bến tàu; các trạm, điểm dừng, nghỉ trên cao tốc, quốc lộ; các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; các cửa hàng trong khu du lịch, nhà hàng, khách sạn; các khu vực làng nghề truyền thống; các khu trung tâm dịch vụ thương mại cấp huyện, cấp xã, các điểm công nghiệp; các trung tâm hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
Cùng với đó, Sở công bố các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố đạt tiêu chí theo Quyết định số 920/QĐ-BCT, ngày 16/4/2019, của Bộ Công Thương trên Cổng thông tin điện tử thành phố và của Sở Công Thương Hà Nội. Kiểm tra, giám sát việc vận hành và duy trì các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động.
Đáng chú ý, Sở Công Thương tiếp tục triển khai việc nâng cấp điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại phòng trưng bày sản phẩm làng nghề tại 176 Quang Trung, Hà Đông thành điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của thành phố. Triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công thành phố năm 2020, trong đó, tập trung hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm đạt và nâng cao tiêu chuẩn hạng OCOP theo quy định.
Ngoài ra, Sở hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai phát triển hình thức thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam với các nhà phân phối nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên….
Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ OCOP đều có khả năng, dư địa phát triển.... để ổn định “đầu ra” cho sản phẩm OCOP, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm ở những cơ sở sản xuất an toàn nhằm minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc. Cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, để mở rộng thị trường tiêu thụ, đòi hỏi doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư, tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng; chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.