Hà Nội yêu cầu Sở Công thương chỉ rõ ưu điểm của xe đạp Phố cà phê đường tàu là điểm du lịch tự phát |
Tái chiếm vỉa hè, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường
Thời gian gần đây, Ban Chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và Thành phố về công tác đảm bảo trật tự, trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 197 Thành phố) đã đồng loạt ra quân, tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè. Sau những ngày ra quân quyết liệt, ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, vỉa hè đã thông thoáng, sạch đẹp.
Vỉa hè bị chiếm dụng để kinh doanh. Ảnh Trà My |
Tuy nhiên vẫn tồn tại những khu vực mà vỉa hè lại bị tái lấn chiếm, gây nên cảnh quan nhếch nhác, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của phóng viên Vuasanca tại các tuyến đường, phố trên quận Hoàn Kiếm như: Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh… đều xuất hiện nhiều quán trà đá, người bán hàng rong, dừng đỗ bán hàng.
Tại ngã tư Hàng Gai (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm), hình ảnh các gánh trà đá, hàng ăn ngồi nép trên góc đường vẫn tồn tại. Các hàng quán thi nhau lấn chiếm vỉa hè, khách hàng dựng xe máy la liệt dưới lòng đường, gây cản trở giao thông.
Quán trà đá tại phố Hàng Gai. Ảnh Trà My |
Chị Nguyễn Thị Loan (người dân phường Hàng Gai) bày tỏ sự bức xúc, chán nản với tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
“Mặc dù là các tuyến phố chính thuộc phố cổ nhưng từ sáng sớm đã xuất hiện rất nhiều hàng quán trà đá, bánh mì, trứng vịt lộn… ngồi dọc các vỉa hè. Khi nào có công an đi kiểm tra thì họ dọn hàng, nhưng cơ bản ngày nào cũng ngồi ở các địa điểm đó” - chị Loan nói.
Tương tự, tại phố Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình) nơi tập trung nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện và nhà ở, các hàng quán tự phát, thi nhau chiếm dụng hai bên vỉa hè, lề đường. Người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường, tham gia giao thông cùng ô tô, xe máy. Đặc biệt vào giờ trưa, nhiều hàng ăn, quán bia, quán nước… lấn vỉa hè để làm nơi kê bàn ghế hoặc chỗ dựng xe máy phục vụ khách khiến con phố này luôn trong tình trạng tắc đường, kẹt cứng. Mặc cho các chỉ thị, kế hoạch tổng kiểm tra, thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cản trở người tham gia giao thông, gây ùn ứ cục bộ, vẫn chưa từng có dấu hiệu thuyên giảm trên tuyến phố này.
Người dân lấn chiếm vỉa hè phố Đội Cấn để buôn bán. Ảnh Trà My |
Nhiều lý do bao biện cho vi phạm
Nhiều người dân sẵn sàng vi phạm để kinh doanh trên vỉa hè, mặc cho các cuộc ra quân quyết liệt của lực lượng chức năng bởi đây là nơi để họ có nguồn thu nhập.
Ngồi ở góc trên phố Văn Miếu, cô Nguyễn Thị Lan (65 tuổi, phường Văn Miếu, Hà Nội) bên cạnh là làn đựng đồ bán trà đá - chia sẻ, hơn 20 năm nay, thu nhập của tôi và gia đình đều dựa vào hàng trà đá này. Ngày trước, trung bình mỗi ngày thu nhập đều đặn khoảng 100.000 đồng - 200.000 đồng. Bây giờ, Hà Nội đang dẹp vỉa hè quyết liệt nên buôn bán khó khăn hơn.
"Thu nhập một ngày giảm đi rất nhiều, chỉ còn 50.000 đồng – 70.000 đồng/ngày nhưng vẫn phải bán thôi. Không ở đây thì chẳng biết bán ở đâu” - cô Lan chia sẻ.
Người dân chiếm dụng vỉa hè Hà Nội để kinh doanh. Ảnh Trà My |
Tương tự, chị Lê Hồng My (43 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) - cũng cho biết, hơn 1 năm nay, từ 18h đến 23h đêm tôi bán trà đá vỉa hè gần nhà để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống gia đình. Mặc dù quán mở gần cơ quan, trường học nhưng ngày nhiều nhất thu nhập cũng chỉ được 100.000 đồng, hôm nào cao thì được hơn. "Biết bán vỉa hè là không đúng quy định pháp luật nhưng vì mưu sinh, vì những trang vở để con đến trường, nên tôi ... đành vậy” - chị My trải lòng.
Năm 2023, Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội đã triển khai Kế hoạch 01 về việc tổng kiểm tra xử lí vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng trên địa bàn.
Đặc biệt, quán triệt chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong 9 tháng năm 2023, lực lượng công an tại các quận, huyện của thành phố Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa... đã ra quân, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm để trả lại vỉa hè thông thoáng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo các lực lượng triển khai các biện pháp duy trì trật tự vỉa hè, lòng đường theo kế hoạch, chú trọng các biện pháp duy trì kết quả để vỉa hè luôn được thông thoáng, sạch đẹp, trả lại mỹ quan cho đô thị. Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp tổng thể, lâu dài để quản lý, sử dụng hiệu quả hè phố, lòng đường, tránh tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”, trong đó cần quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng vỉa hè ngay từ khi lập quy hoạch, gắn với thiết kế đô thị từng tuyến phố, tuyến đường phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, địa bàn cụ thể. Nghiên cứu cho thuê kinh doanh trên vỉa hè, bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những vị trí, thời gian phù hợp...
Báo cáo tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội cho thấy, trong công tác trật tự đô thị, lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử lý 32.181 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền trên 17,7 tỷ đồng. Vi phạm chủ yếu là chiếm dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh ăn uống, buôn bán hàng hóa... |