Hàng trăm xe hàng nằm tại cửa khẩu Lao Bảo do quy định cách ly tài xế vận chuyển hàng hóa |
Ùn tắc do quy định cách ly tài xế hàng hóa
Từ 0h ngày 18/3, Việt Nam áp dụng cách ly tập trung đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ ASEAN. Chiếu theo quy định này, tại cửa khẩu Lao Bảo, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo đã thông báo đến doanh nghiệp khi đưa hàng hóa qua Lào và trở về sẽ tiến hành cách ly tài xế của xe hàng.
“Thông báo này của Hải quan khiến những doanh nghiệp vận tải hàng hóa như chúng tôi rất lo lắng. Bởi hàng hóa đứng lại cửa khẩu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, gây mất uy tín, phá vỡ hợp đồng với đối tác về thời gian vận chuyển”, ông Trần Phước Hồng – Giám đốc Công ty cổ phần Logistics cảng Đà Nẵng (Danalog) cho biết.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Hồng cho hay, mặc dù trên lý thuyết việc tiến hành cách ly đối với người nhập khẩu từ ASEAN không ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, nhưng trên thực tế, nếu tiến hành cách ly tài xế lái xe thì cũng không khác gì dừng hoạt động của doanh nghiệp ngay tại cửa khẩu và không thể thông thương. “Chi cục Hải quan thông báo hàng hóa qua lại cửa khẩu vẫn bình thường, nếu tài xế đồng ý với quy định vận chuyển hàng hóa qua Lào và khi quay trở về thì cách ly tập trung 14 ngày thì hàng hóa sẽ được giải quyết ngay, nhưng nếu xe không có người thì xe quay về kiểu gì, doanh nghiệp thì không thể đủ tài xế để mỗi chuyến hàng đi về lại thay người” - ông Hồng giải thích và cho biết đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào để giải quyết vấn đề cả trước mắt và lâu dài, trong khi các xe hàng vẫn tiếp tục di chuyển về cửa khẩu.
Các doanh nghiệp vận tải họp để tìm giải pháp giải quyết vấn đề chiều 19/3 |
Doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”
Theo các doanh nghiệp vận tải, việc Chính phủ áp dụng các biện pháp để phòng tránh dịch là hoàn toàn hợp lý, trong đó bao gồm cả việc cách ly người nhập cảnh từ các quốc gia ASEAN. Chống dịch là ưu tiên hàng đầu nhưng cũng cần chú trọng đến phát triển kinh tế. Cách ly người nhưng phải đảm bảo hàng hóa phải được lưu thông.
Ông Dương Tiến Lâm – TGĐ Công ty CP Asia Trans cho rằng, dịch Covid – 19 tác động chung đến toàn bộ các hoạt động kinh tế trên toàn thế giới, việc phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng cũng cần phát triển kinh tế. Ông Lâm kiến nghị vùng nào chưa có dịch thì các cơ quan chức năng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể xuất khẩu. “Hoạt động sản xuất, vận tải của doanh nghiệp từ khi có dịch Covid – 19 đã khó khăn rồi, bây giờ hàng hóa không lưu thông qua cửa khẩu Lao Bảo được giống như chặn đứng đường sống của doanh nghiệp, không chỉ tại TP. Đà Nẵng mà bẻ gãy hoạt động giao thương giữa các quốc gia tiểu vùng Mê Kong” - ông Lâm nói.
Bà Đặng Trần Gia Thoại – Giám đốc Viconship, Chi nhánh miền Trung - cho biết, doanh nghiệp hiện đang có 10 container hàng hóa nằm ở cửa khẩu Lao Bảo mà chưa có hướng giải quyết. “Xe nằm bãi khiến phát sinh nhiều chi phí, tồn đọng hàng, quan trọng nhất là sẽ không thể đủ tài xế để chấp hành quy định đưa hàng qua về lại là vào cách ly” - bà Thoại cho biết thêm, cá biệt trong các hàng container đang nằm tại Lao Bảo có lô hàng chỉ được cấp giấy phép đến 31/3. “Bình thường thì hoạt động vận chuyển đi và về chỉ mất một vài ngày, nhưng tình hình như hiện tại thì không biết khi nào mới thông thương hàng hóa, đối tác (chủ lô hàng) đang đứng ngồi không yên, nếu không giải quyết được vấn đề thì doanh nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa”.
“Để giải quyết tạm thời hàng hóa đang ùn ứ, các doanh nghiệp đã cùng ngồi lại để tìm giải pháp, nhưng tất cả đều chưa khả thi”, ông Trần Phước Hồng cho biết.
Phương án được các doanh nghiệp đưa ra là sử dụng một xe 2 tài xế. Theo đó, có 1 tài xế ở luôn bên Lào (trong 30 ngày Việt Nam hạn chế nhập cảnh, đến 17/4), và một tài xế ở Việt Nam. Tài xế ở Việt Nam sẽ vận chuyển hàng từ Cảng Đà Nẵng đến cửa khẩu Lao Bảo (tại km số 0) sau khi làm thủ tục sẽ bàn giao xe cho tài xế phía Lào vận chuyển hàng cho đối tác và quay trở lại. Doanh nghiệp chấp nhận bị đội chi phí, chậm nửa thời gian hàng. “Đây mới chỉ là phương án doanh nghiệp đưa ra, chứ chưa được chấp thuận từ phía các cơ quan hữu quan cũng như phía đối tác Lào” - ông Lê Bá Vũ – Phó Giám đốc Cảng Tiên Sa nói.
Việt Nam đang kiểm soát chặt việc nhập cảnh từ các quốc gia ASEAN để phòng chống Covid - 19 (Ảnh: Minh Trang) |
Kiến nghị có cơ chế linh hoạt cho tài xế
Các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét lại việc đề nghị đối với tài xế xe hàng từ Việt Nam qua Lào và quay lại.
Là doanh nghiệp thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu Lào Cai, Hữu Nghị, ông Nguyễn Văn Hiệp – Giám đốc Công ty Vận tải Hưng Phát - đề xuất cho phép các tài xế xe vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Lao Bảo thực hiện các biện pháp y tế đảm bảo an toàn như tại các cửa khẩu phía Bắc. “Xe hàng qua Lào về sẽ được phun khử trùng, tài xế sẽ mang đồ bảo hộ y tế qua giao hàng và quay trở lại. Nếu giải quyết được vấn đề này thì hàng hóa có thể lưu thông trở lại” - ông Hiệp kiến nghị.
“Các tài xế lái xe của các công ty vận tải từ Đà Nẵng đến Lao Bảo có lịch trình đi và đến rõ ràng. Lý lịch tài xế thuộc biên chế nhân sự của Công ty nên rất dễ dàng theo dõi. Thời gian giao hàng từ cửa khẩu Lao Bảo qua nhà máy bên nước bạn Lào và quay trở lại đến cửa khẩu chỉ trong khoảng 6 tiếng, địa bàn nơi các xe hàng đi qua dân cư thưa thớt, bên cạnh đó, Lào cũng là quốc gia chưa phát hiện ca bệnh nào liên quan đến Covid – 19, vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành liên quan xem xét việc tạo điều kiện để các tài xế có thể giao hàng qua Lào và trở lại mà không phải thực hiện cách ly. Các công ty vận tải sẵn sàng trang bị đồ y tế, tiến hành khử khuẩn xe hàng khi qua Lào trở về đến cửa khẩu…, miễn là hàng hóa có thể lưu thông” - ông Trần Phước Hồng bày tỏ.
Vuasanca sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin thêm về vấn đề này.