Iran tăng cường sản xuất dầu
Theo Bộ Dầu mỏ và doanh nghiệp Iran, các thỏa thuận mới sẽ giúp sản lượng 6 mỏ chính tăng thêm 350.000 thùng/ngày và đây là những “hợp đồng dầu mỏ lớn nhất trong thập kỷ qua” của nước này.
Trước đó, Iran cũng đã trao hợp đồng trị giá 20 tỷ USD cho các công ty trong nước để tăng sản lượng khí đốt ở mỏ ngoài khơi South Pars ở vùng Vịnh mà nước này và Qatar đồng sở hữu.
Bộ Dầu mỏ và doanh nghiệp Iran cho biết, nước này sẽ dựa vào chuyên môn trong nước để thúc đẩy sản xuất tại các mỏ phía Tây và Tây Nam, bao gồm Azadegan ở tỉnh Khuzestan, giáp biên giới với Iraq.
Trong bối cảnh chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, Iran đã tìm cách gia tăng sản lượng dầu mỏ sản xuất ở trong nước. Ảnh: AP |
Bên cạnh đó, các hợp đồng phát triển Masjed Soleyman - mỏ dầu lâu đời nhất của Iran ở Khuzestan, cũng đã được ký kết. Giếng số 1 ở Masjed Soleyman là giếng cổ nhất ở Trung Đông, được khai thác lần đầu năm 1908.
Iran, thành viên của OPEC, có trữ lượng dầu lớn thứ 3 và trữ lượng khí đốt lớn thứ 2, theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Mỹ.
Mặc dù vậy, sản lượng dầu thô của nước này đã giảm vào năm 2020 xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ do các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm khắc được áp dụng sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. Các công ty đa quốc gia nước ngoài sau đó đã rời khỏi Iran.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô đã bắt đầu tăng trở lại trong những tháng gần đây, nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mexico xây nhà máy điện lớn nhất Mỹ Latinh
Mexico sẽ đầu tư 1,3 tỷ USD xây dựng cụm nhà máy điện lớn nhất khu vực Mỹ Latinh tại bang Baja California, giáp biên giới với Mỹ.
Theo Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador, dự án bao gồm việc xây dựng 5 tổ hợp phát điện bao gồm tua bin khí, động cơ đốt trong và chu trình hỗn hợp cùng hệ thống truyền tải điện tại bang Baja California, nhằm giúp địa phương này trở thành trung tâm phân phối điện quan trọng của cả nước. Dự kiến, cụm nhà máy điện mang tên Rafael Galván sẽ khai trương vào tháng 9/2024.
Được biết, hiện 3 tổ hợp phát điện sử dụng động cơ đốt trong và chu trình hỗn hợp đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, không có thông tin liên quan đến tổng công suất phát điện của cụm nhà máy Rafael Galván.
Theo Chương trình Phát triển điện năng giai đoạn 2017-2031 của Mexico, nước này sẽ dành hơn 28,3 tỷ USD để đầu tư xây mới các nhà máy điện, trong đó các công trình điện gió, điện Mặt Trời chiếm tương ứng 23% và 13% tổng số vốn đầu tư.