Chuẩn hóa sản phẩm OCOP
Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có những kết quả vượt bậc về số lượng sản phẩm tham gia chương trình; mẫu mã, chất lượng sản phẩm được từng bước khẳng định, hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng quê gắn với bảo tồn văn hóa và đặc trưng mỗi vùng miền.
Tăng cường quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm |
Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là 3.749 sản phẩm. Tổng nguồn lực huy động dự kiến đạt gần 9.583 tỷ đồng. Đã có 9 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận cho 470 sản phẩm OCOP; trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm đề xuất 5 sao, 160 sản phẩm 4 sao, 308 sản phẩm 3 sao. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động triển khai chương trình. Tỉnh Bắc Kạn là địa phương đầu tiên của cả nước đã vận động, thành lập Hội doanh nhân OCOP của tỉnh. Đáng chú ý, trong thời gian qua, nhiều hoạt động hội chợ OCOP đã được tổ chức nhằm thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Hiện, trên các kệ của siêu thị Big C, đã có 50 sản phẩm OCOP được bày bán. Phía Big C đánh giá cao sản phẩm OCOP vì tính khác biệt của sản phẩm, do đây không chỉ đơn thuần là hàng hóa thông thường mà còn mang giá trị truyền thống. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đã bán chạy và có doanh số cao nhất trong quầy hàng hệ thống siêu thị Big C như: Mỳ chũ Bắc Giang; giò me xứ Nghệ; nước mắm Cái Rồng (Quảng Ninh).
Tuy nhiên, theo ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long, các sản phẩm OCOP thường xuyên thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, sản lượng sản xuất không ổn định và thường xuyên bị đứt hàng. Nhiều nhà cung cấp không đủ năng lực vận chuyển đến các kho trung chuyển hàng hóa của hệ thống phân phối hiện đại.
Đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ
Hiện, đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bức thiết.
Thực hiện triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn và triển khai hoạt động tích cực để thúc đẩy kết nối sản phẩm OCOP vào hệ thống phân phối trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu. Năm 2019, 12 địa phương được lựa chọn và hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP với kinh phí hỗ trợ 200 triệu đồng/địa phương/điểm bán.
Mới đây, Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã tổ chức Hội nghị Kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP vào điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc năm 2019. Hòa Bình được lựa chọn là địa điểm tổ chức, đây là một điểm đến đầy tiềm năng cho sản phẩm OCOP.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - Lê Việt Nga nêu rõ: Hội nghị được tổ chức với mong muốn kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, thực hiện liên kết vùng của cơ quan quản lý các địa phương tới hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thực hiện tổ chức kết nối cung - cầu, các nhà sản xuất và đơn vị phân phối, kinh doanh sản phẩm đặc trung vùng miền, sản phẩm OCOP với các điểm bán, phân phối sản phẩm vùng miền tại các tỉnh phía Bắc. "Bộ Công Thương mong muốn quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng lợi thế của địa phương" - bà Lê Việt Nga nói.
Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm chất lượng cao từ Chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn có mặt tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài; giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương. |