Công tác đào tạo nghề, truyền nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động |
Chính sách phù hợp
Báo cáo của Sở Công Thương Hậu Giang cho thấy, trong những năm qua, các hoạt động khuyến công của Hậu Giang chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Đào tạo, tập huấn; tư vấn, hỗ trợ; tổ chức hội chợ và hỗ trợ cơ sở tham gia hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường; trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến và chuyển giao công nghệ…
Đơn cử năm 2018, tỉnh Hậu Giang được Bộ Công Thương phê duyệt 3 đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến với tổng kinh phí là 600.000.000 đồng. Kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương được UBND tỉnh Hậu Giang phê duyệt là 773.760.000 đồng với 6 đề án/kế hoạch khuyến công.
Các hoạt động khuyến công đã hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Lãnh đạo Sở Công Thương Hậu Giang khẳng định, nhờ vào hoạt động khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, nâng cao chất lượng, số lượng và nguồn nhân lực cho cơ sở, DN, đáp ứng được yêu cầu thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Nâng cao hiệu quả
Để các đề án khuyến công phát huy hiệu quả hơn nữa, Sở Công Thương Hậu Giang đặt ra nhiều giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, Sở sẽ tập trung rà soát các cơ chế, chính sách, bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện, kiện toàn bộ máy tổ chức phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động khuyến công theo điều kiện và nhu cầu thực tế của địa phương; hỗ trợ đầu tư một số dự án có lợi thế cạnh tranh, điển hình để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành. Từ đó, tạo ra sự lan tỏa cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của nhà nước về hoạt động khuyến công; tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các cấp, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, người dân và DN.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các cơ sở, DN tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo sự phát triển cho DN. Công tác đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề phải gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở, DN để giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo.
Để hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả, phát huy thế mạnh, lợi thế của địa phương, các nội dung của hoạt động khuyến công thời gian tới của Hậu Giang sẽ ưu tiên lựa chọn những đề án sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, địa bàn xây dựng nông thôn mới… Và có sự phối hợp tốt trong hoạt động giữa chương trình khuyến công với các chương trình khác như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...
Để phát huy tốt vai trò của hoạt động khuyến công trong khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương Hậu Giang đã tham mưu với UBND tỉnh từng bước hoàn chỉnh cơ chế, chính sách khuyến công phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, góp phần hỗ trợ các cơ sở, DN trên địa bàn thiết thực và hiệu quả hơn. |