Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương
CôngThương - Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Về vấn đề này, 2 Bộ trưởng đều nhất trí một kiến nghị. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị phải trồng bù vào đất khác và nhà đầu tư đó phải nộp tiền. Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) sẽ quy hoạch đất rừng ở nơi khác. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhất trí như vậy. Tôi đề nghị 2 Bộ phối hợp báo cáo với Chính phủ, tổ chức thực hiện làm, để đến kỳ họp thứ 6, các đồng chí báo cáo cụ thể khả năng trồng bù rừng. Bây giờ là kỳ họp thứ 5, vậy cơ chế này cuối năm nay đã duyệt chưa, bao giờ thì trồng, khả năng trồng được bao nhiêu, những nơi không trồng được thì còn tiếp tục làm thủy điện không, chỗ này tôi đề nghị cũng phải làm dứt điểm”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện nay thủy điện đã sử dụng khá lớn diện tích rừng để phục vụ cho các lòng hồ, các công trình thủy điện. Theo quy định, dự án nào lấy bao nhiêu đất rừng, phải trồng bù lại đủ diện tích rừng. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện còn rất hạn chế, trong số gần 20.000 héc-ta cần phải trồng bù, thì tỷ lệ trồng bù lại còn rất ít.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc trong việc thực hiện. Điều này trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu rõ và Chính phủ kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư này phải khắc phục việc thực hiện không nghiêm túc các quy định. Nếu chủ đầu tư nào không tiếp tục thực hiện, sẽ có những chế tài nghiêm khắc. Thứ hai, là quỹ đất để cho các chủ đầu tư trồng rừng, hoặc phối hợp với các địa phương trồng rừng bù lại, ở nhiều nơi không có. Chính vì thế vừa qua, Bộ Công Thương cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ TN & MT đã có kiến nghị với Chính phủ xem xét cho phép áp dụng một cơ chế. Theo đó, ở những địa bàn có dự án thủy điện triển khai, nhưng không có quỹ đất để trồng rừng, có thể tìm quỹ đất khác thay thế, cũng ở trên địa phương đó, nhưng nằm ở địa bàn khác. Và nếu như quỹ đất trồng rừng tập trung cũng không có, thì có thể giao kinh phí trồng rừng bổ sung cho địa phương, để địa phương phân bổ trồng rừng phân tán, bù lại diện tích đất rừng đã bị mất.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng,,. cùng với những chính sách sắp ban hành và những chính sách hiện có, đặc biệt là thái độ kiên quyết của Quốc hội và Chính phủ, thời gian tới sẽ khắc phục được tình trạng diện tích rừng bị mất do thủy điện.