Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, kiên trì Kiên quyết, kiên trì đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân - Bài 1: Nhận diện chủ nghĩa cá nhân |
Nhận rõ sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân, 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có các chủ trương, chính sách, biện pháp để kiên quyết, kiên trì đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Cuộc chiến gian nan này đã thu được nhiều thắng lợi nhưng cũng bị tổn thất nhiều cán bộ...
Ở Việt Nam, chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm của chế độ xã hội cũ (phong kiến, thực dân). Chế độ đó hướng tới lợi ích vật chất của cá nhân, gia đình hoặc một nhóm, tập đoàn nào đó vì vậy nó nuôi dưỡng và phát triển lợi ích kinh tế của mỗi cá nhân và phát triển chủ nghĩa cá nhân. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (ngày 3/2/1930) thảo luận, thông qua. Tuy rất ngắn gọn, nhưng Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt đã xác định rõ ràng nhiều vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, trong đó có việc đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân như: “Thủ tiêu hết các thứ quốc trái”; ”Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo”; “Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo”...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng. (Ảnh tư liệu) |
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong các phiên họp của Chính phủ. Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của chủ nghĩa cá nhân, người mắc căn bệnh ấy như con mọt đục khoét, làm ruỗng, dẫn đến yếu sức các cây cột chống đạo đức, sớm muộn sẽ làm nghiêng ngả ngôi nhà nhân cách đảng viên.
Trong những năm kháng chiến ác liệt, công tác đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vẫn được Đảng ta và Bác Hồ kính yêu quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.
Ngày 5/9/1950 tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án xử tội Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu.
Tại phiên toà, trước những chứng cứ đanh thép, Trần Dụ Châu đã phải cúi đầu nhận tội lấy cắp của công và sống sa đọa. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình.
Bản án đã nhanh chóng được báo cáo lên Hồ Chủ tịch. Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định xử tử hình Trần Dụ Châu của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ.
Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, vấn đề phòng, chống và đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân cũng như những biểu hiện suy thoái đã trở thành vấn đề cấp bách của Đảng, thành nhu cầu tự thân của mỗi cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt trong những năm gần đây, việc triển khai gắn thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”” với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””... đã góp phần ngăn chặn những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, việc thực hiện các Quy định về nêu gương như Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”… gắn với đẩy mạnh phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, hệ thống chính trị cũng đã góp phần thiết thực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, của lối sống “sủng vật chất”, bị cám dỗ bởi vật chất, trong Đảng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên được trao trọng trách tại các cơ quan công quyền đã lợi dụng, lạm dụng quyền lực được ủy thác để mưu cầu lợi ích riêng cho mình và nhóm lợi ích. Những hành động vụ lợi của họ là biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa cá nhân, của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Những hành động vụ lợi của họ không chỉ gây thất thoát lớn tiền của của Nhà nước và nhân dân, mà còn đe dọa vị thế tiền phong của một Đảng cầm quyền.
Đảng lãnh đạo cách mạng bằng đường lối, chủ trương và thông qua vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; niềm tin của nhân dân đối với Đảng đều xuất phát từ niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, khi sa vào chủ nghĩa cá nhân, người cán bộ, đảng viên sẽ không còn được nhân dân tin tưởng, ủng hộ; uy tín và hiệu quả lãnh đạo giảm sút; đồng thời, trở thành “cái cớ” để các thế lực thù địch, phản động móc nối, lợi dụng chống phá.
Cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân làm cho Đảng suy yếu từ bên trong cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nhiều người trong số này đã bị phát hiện và xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Bộ trưởng, cán bộ cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Dù có quyết tâm chính trị rất lớn, dù có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao từ Ban chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, nhưng việc tiêu diệt, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong Đảng vẫn còn vô vàn khó khăn. Đến nay, chủ nghĩa cá nhân vẫn tồn tại, thậm chí phức tạp và tinh vi hơn. Chủ nghĩa cá nhân vừa là nguyên nhân, vừa là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) cũng chỉ rõ sự suy thoái về đạo đức, lối sống mà biểu hiện hàng đầu là: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”.
Thực tế công tác đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân trong thời gian qua cho thấy chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh nguồn gốc của nhiều căn bệnh khác như sự suy thoái, tiêu cực, hư hỏng… Thế nhưng, chủ nhĩa cá nhân lại ẩn chứa trong mỗi con người cụ thể nên cuộc đấu tranh để từ bỏ nó rất khó khăn phức tạp. Tham nhũng, tiêu cực là môt trong những biểu hiện điển hình của chủ nghĩa cá nhân. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có được những kết quả rất quan trọng, nhất là xử lý được những vụ tham nhũng lớn bằng kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên cuộc chiến này vẫn còn đang rất cam go, ác liệt./.
Bài 3 : Cần thay đổi phương thức tác chiến