Đời sống vùng đồng bào DTTS được quan tâm |
Hiện toàn vùng 10 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có 3.076 thôn đặc biệt khó khăn, 347 xã khu vực III, 479 xã khu vực II, 254 xã khu vực I và 26 huyện nghèo được hưởng các chính sách đặc thù đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội và công tác xóa đói, giảm nghèo được thực hiện tích cực và đạt hiệu quả; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, gắn đào tạo nghề với thị trường lao động và tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần giảm nghèo bền vững.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trung bình toàn khu vực còn 14,4%, trong đó hộ DTTS chiếm gần 55%; vấn đề chăm lo sức khỏe cho đồng bào DTTS nghèo vùng khó khăn được quan tâm thực hiện thường xuyên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng chính sách, đồng bào DTTS và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hạn chế tình trạng dịch bệnh xảy ra trên người và gia súc…
Tuy nhiên, công tác dân tộc thời gian qua ở các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Còn diễn ra tình trạng bỏ học giữa chừng của học sinh DTTS; vấn đề ổn định dân di cư ngoài kế hoạch chưa được giải quyết. Do đó, tình trạng mất an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phá rừng, lấn chiếm đất rừng có chiều hướng tăng…
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn đề nghị các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên theo dõi, nắm tình hình vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong khu vực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là tình hình thiệt hại do thiên tai, đói giáp hạt, dịch bệnh, các vụ việc nổi cộm về an ninh trật tự, để tham mưu cho tỉnh, Ủy ban Dân tộc kịp thời có giải pháp nâng cao đời sống đồng bào, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp trên địa bàn. Cùng với đó, đề nghị các địa phương trong khu vực tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách dân tộc theo kế hoạch được giao của năm 2018; tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc. Các tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về các chính sách dân tộc. Qua đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại sự đầu tư của Nhà nước, khuyến khích người dân tham gia việc giám sát thực hiện chính sách dân tộc…
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp các ý kiến, đưa ra phương hướng thực hiện công tác dân tộc trong thời gian tới và kiến nghị một số nội dung liên quan đến chính sách như: Các bộ, ngành, trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về việc lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình chính sách đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi nhằm tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả… Cần có sự đồng bộ giữa các sở, ngành trong thực hiện chính sách dân tộc; công tác chỉ đạo đôn đốc, tổ chức kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương cần được quan tâm thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu tiên trong đào tạo, tuyển dụng đội ngũ cán bộ cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi nhất là những người trực tiếp thực hiện chính sách.
Năm 2018, Nhà nước hỗ trợ các vùng dân tộc thiểu số, miền núi khu vực miền Trung, Tây Nguyên hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. |