Với người Tày, lễ cầu an là một nghi lễ hết sức quan trọng trong năm. Đồng bào Tày quan niệm, khi làm lễ này rồi thì sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luông (Phật lớn) và Đẳm (tổ tiên) phù trợ, hổ vồ không trúng, rắn cắn không vào, xuống nước tự nổi, làm gì được nấy… Lễ cầu an, cầu phúc thường được đồng bào Tày tổ chức trong nhà, tại gia đình của chủ nhà. Mặc dù gia chủ có thể không mời hoặc mời rất ít, chủ yếu là anh em trong nhà song khi làm lễ, bà con trong bản lại thường đến rất đông, việc góp mặt của bà con trong bản chính là thể hiện sự quan tâm chia sẻ giữa con người với con người.
|
Lễ cầu an, sinh hoạt dân gian của người Tày |
|
Bà con dậy từ sớm để đồ xôi |
|
Lễ vật trong lễ cầu an gồm nhiều loại qủa, bánh trái và thực phẩm khác |
|
Mâm lễ cúng gia tiên được chuẩn bị chu đáo |
Để tiến hành nghi lễ quan trọng của gia đình, ngay từ sáng sớm, các thành viên trong gia đình phân công nhau mỗi người một việc để cùng chuẩn bị các vật phẩm dâng lễ. Lễ gồm 3 loại: Lễ tam sinh gồm gà, lợn quay, vịt; lễ chay gồm các loại như: Bánh dầy, bánh dợm, bánh ngải, bánh chè lam; thanh bông hoa quả gồm hoa, quả chuối.... Các lễ vật được sắp xếp trên ban thờ tam cấp và bày biện cầu kỳ. Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, đến giờ làm lễ, chủ nhà sẽ đón thầy cúng vào nhà để thực hiện phần nghi lễ. Trong khi thầy cúng chuẩn bị thực hiện cúng, các thành viên trong gia đình sẽ tập hợp đầy đủ ngồi phía sau để thể hiện sự thành kính.
|
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu an, cầu phúc cho dân bản |
|
Cúng chúng sinh ngoài trời |
Trong nghi lễ cầu an, cầu phúc tùy thuộc thầy là dòng Pựt, Then hay Mo… thì nhạc cụ thực hiện và bài cúng cũng theo dòng đó. Cũng có những thầy sẽ thực hiện được cả ba phần Pựt, Then, Mo. Khi tham gia lễ cầu an giúp chúng ta cảm nhận phần nào không gian nhà sàn, đó vừa là không gian của văn hóa tâm linh, vừa là không gian nghệ thuật của một tộc người với đầy đủ các quan niêm về vũ trụ, nhân sinh quan.
|
Buộc chỉ đỏ cổ tay |
Lễ cầu an kết thúc, thầy cúng sẽ buộc sợi chỉ đỏ vào cổ tay cho từng thành viên trong gia đình và những người có mặt với ý niệm sợi chỉ sẽ như một vật thiêng bảo vệ, mang an lành đến cho người buộc chỉ. Lễ cầu an của người Tày vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống cổ truyền với lòng thành kính kính hướng về tổ tiên và cầu mong một năm an bình, no ấm.