Indonesia nổi lên như một đầu tàu tăng trưởng của khu vực
CôngThương - Điều này hoàn toàn trùng hợp với một nhận định rằng, sự đóng góp vào GDP toàn cầu của các nền kinh tế phương Tây sẽ giảm xuống dưới 50% trong vòng thập niên này, kết thúc vị trí thống trị về kinh tế trong 500 năm qua.
Phân tích nhanh phát hành hàng quý này do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Cebr - một trung tâm dự báo kinh tế toàn cầu và là đối tác của Tổ chức Hội Kiểm toán và Công chứng Anh Quốc và xứ Wales (ICAEW) đưa ra mới đây, nhằm tổng hợp tình hình và các khuynh hướng kinh tế của: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Vietnam.
Bản báo cáo dự đoán sự hợp nhất thể chế chính trị theo phong cách châu Âu không thích hợp cho các nước ASEAN trong tương lai gần bởi các nước này có một khoảng cách khác biệt khá lớn về sự phát triển kinh tế và mức thu nhập quốc gia. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa các nước thành viên đã giúp mở cửa nền kinh tế khu vực và chuyển đổi ASEAN từ một nhóm các quốc gia cạnh tranh nhau về đầu tư nước ngoài thành một hội đồng các nước củng cố và hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, thông qua các mối liên kết hợp tác và nền kinh tế to lớn của khu vực.
Giám đốc điều hành của Cebr - ông Douglas McWilliams - cho biết: “Các quốc gia Đông Nam Á đã rút ngắn khoảng cách về thu nhập quốc dân và gia tăng sự chuyên môn hóa cũng như phân công lao động đang tăng dần trong nội bộ ASEAN. Đây sẽ là nguồn lợi lớn cho các nước thành viên. Giá nhân công cạnh tranh đang hấp dẫn các công ty toàn cầu tìm kiếm nơi đặt nhà máy sản xuất, trong khi nhiên liệu hóa thạch lại dồi dào và các nguồn tài nguyên trong lòng đất sẽ là nguồn cung cấp nhiên liệu cho sự phát triển kinh tế của các nước này”.
Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ICAEW - ông Mark Billington - thì lạc quan: “ASEAN được xem như một khu vực đang nổi lên về tăng tưởng GDP từ 2010 và được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn các nền kinh tế còn lại của thế giới vào 2012. Sự gia tăng chi tiêu cá nhân trong tầng lớp trung lưu đang mở rộng của các nền kinh tế đang nổi được xem là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng bền vững. Sự gia tăng số lượng nhóm các chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm với những kinh nghiệm quốc tế và chuyên môn nghiệp vụ cao rất quan trọng để các nước ASEAN có thể tận dụng triệt để những cơ hội này”.
Bản báo cáo cũng cho thấy viễn cảnh của nền kinh tế, thách thức đối vớihầu hết các nước trong khu vực là thực hiện công nghiệp hóa như các nước Đông Nam Á khác đã đạt được trước đó. Ví dụ: Việt Nam cần đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng và giáo dục để có được thành công như Malaysia. Malaysia phải đi bước tiếp theo trong việc duy trì nền kinh tế và hệ thống điều hành nếu muốn nhân rộng thành công của Singapore trong việc xây dựng các khu công nghiệp cạnh tranh toàn cầu, đa dạng và rộng khắp.
Thêm vào đó, bản báo cáo đã có những phát hiện quan trọng khác như: Khối lượng xuất khẩu của ASEAN vào Trung Quốc đang tăng lên nhanh hơn cả các đối tác thương mại chủ yếu khác. Indonesia nổi lên như một đầu tàu tăng trưởng của khu vực khi chiếm 31% tăng trưởng sản xuất của ASEAN trong năm 2010 và quốc gia với 234 triệu dân này được kỳ vọng đóng góp hơn 42,8% cho sự tăng trưởng của ASEAN vào 2012. Singapore đứng thứ 2 với 21,5%, tiếp theo là Thái Lan với 17,6% và Malasyia với 12,1%. Dù mức thu nhập theo đầu người còn thấp nhưng Việt Nam vẫn đóng góp 5%.