Có mặt tại Sơn La đúng vào thời điểm lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La vừa bắt giữ một đối tượng trú tại tỉnh Hủa Phăn (Lào) vận chuyện trái phép 1.180 viên ma túy tổng hợp vào địa bàn xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La), chia sẻ với phóng viên, Đại tá Bàn Văn Chanh – Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La cho biết: Việc đấu tranh, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy được thực hiện từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới, tránh tối đa để các đối tượng áp sát đường biên rồi tìm cách đưa vào khu vực nội địa. Được xác định là một trong những địa bàn phức tạp và trọng điểm về hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Bộ đội biên phòng, tại Sơn La nhiều vụ vận chuyển, buôn bán chất ma túy từ bên kia biên giới vào Việt Nam đã kịp thời được ngăn chặn, công tác đấu tranh với loại tội phạm này đã đạt được những kết quả tích cực. |
Bên cạnh đó, Sơn La cũng là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là cửa ngõ giao lưu quan trọng với Lào và cộng đồng quốc tế; tuyến biên giới tỉnh Sơn La có chiều dài 274,056 km đường biên giới quốc gia, 125 vị trí (126 mốc quốc giới), 11 cọc đánh dấu các điểm đặc trưng hướng đi của đường biên giới (từ mốc 257 đến mốc 259) tiếp giáp với tỉnh Luông Pha Băng và tỉnh Hủa Phăn của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; vùng biên giới gồm 6 huyện: Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ; khu vực biên giới có 17 xã với 308 bản, trong đó có 73 bản tiếp giáp biên giới. Trên toàn tuyến bố trí 10 đồn Biên phòng (có 2 cửa khẩu chính, 2 cửa khẩu phụ, 7 trạm kiểm soát Biên phòng). |
Song song với đó là các đường mòn, đường tắt qua lại hai bên biên giới cùng với cư dân hai bên biên giới có mối quan hệ thân tộc, dân tộc, dòng họ ở sát biên giới, thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hoá… đây là điểm đặc trưng để các loại tội phạm nói chung, tội phạm về ma tuý nói riêng lợi dụng móc nối hình thành các tổ chức, đường dây tội phạm xuyên biên giới. Cùng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, các đối tượng sẵn sàng chống trả đến cùng khi bị phát hiện, bắt giữ- đây là tính chất đặc trưng của loại tội phạm này, vì thế mà lực lượng Bộ đội Biên phòng vẫn chưa giấy phút nào được ngơi nghỉ. Đại tá Bàn Văn Chanh chia sẻ, với địa hình phức tạp, hiểm trở, khó tiếp cận, kiểm soát; mùa mưa thì thường xảy ra lũ quét, lũ ống, bị chia cắt, mùa khô thì bị sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn, nhiều đường mòn, lối tắt cùng với đó Sơn La có cung đường gần khu vực tam giác vàng nhất, tội phạm ma túy đã lợi dụng triệt để các yếu tố trên để vận chuyển áp sát biên giới sau đó dấu trên rừng, ngụy trang bằng các phương thức, thủ đoạn tinh vi. Đáng chú ý là xu hướng “không tiếp xúc” như: Giao dịch không tiếp xúc, vận chuyển không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc. Các đối tượng chia ra các phân đoạn vận chuyển, thậm chí ở từng khâu các đối tượng không cần biết nhau, chúng sử dụng tiếng “lóng”, tiếng dân tộc để liên lạc với các đối tượng tại Việt Nam. “Các đối tượng lợi dụng, trà trộn hoặc giả trang là người dân bản, là người làm nương, làm rẫy, chăn thả gia súc, hoặc chúng mua chuộc những người dân có các lán nương sát biên giới để cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy… do sống gần khu vực biên giới, các đối tượng rất thông thạo địa bàn, điều này đã đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho lực lượng biên phòng trong nắm bắt tình hình, đấu tranh, ngăn chặn các vụ vận chuyển ma túy vào Việt Nam” - Đại tá Bàn Văn Chanh cho hay. |
Lợi dụng địa hình khu vực rừng núi hiểm trở, nhân dân vùng giáp biên trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế nhưng thường xuyên qua lại để giao thương buôn bán, làm ăn... Từ thực tế đó, tội phạm về ma túy đã lén lút tiếp tục móc nối với các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Lào tạo dựng mạng lưới, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Loại ma túy được vận chuyển qua biên giới chủ yếu là heroin, ketamine, ma túy tổng hợp đa dạng và hồng phiến hay nhựa thuốc phiện. Nội biên khu vực biên giới, vấn nạn và tệ nạn ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp với số lượng người mắc nghiện ma túy còn tương đối cao, kéo theo sự hoạt động của các điểm, tụ điểm bán lẻ ma túy- đây là mầm mống, nguồn “cung ứng” mạng lưới chân rết để các đối tượng chủ mưu cầm đầu đứng sau chỉ đạo hình thành các tổ chức đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy lớn, xuyên quốc gia. Hoạt động mua bán lẻ chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các điểm mua bán lẻ thường không trực tiếp tham gia mà chỉ đứng sau chỉ đạo. “Hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, liều lĩnh và hết sức manh động. Chúng luôn có xu hướng sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ. Đòi hỏi công tác nắm tình hình đối tượng của lực lượng chức năng phải rất chủ động, xây dựng các phương án phải tính toán rất chặt chẽ biện pháp nghiệp vụ để vô hiệu hóa triệt để mối nguy từ vũ khí nóng. Lực lượng chuyên trách phải có tinh thần tấn công tội phạm cao độ, trong các phương án chúng tôi luôn quán triệt phương châm “Cương quyết đấu tranh tội phạm, bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo vệ nhân dân và đồng đội”- Đại tá Bàn Văn Chanh cho biết. |
Đại tá Bàn Văn Chanh khẳng định, loại tội phạm này cực kỳ nguy hiểm, rất manh động, do đó hàng năm chúng tôi đều có các kế hoạch cử cán bộ ra ngoại biên hoạt động nghiệp vụ, đồng thời hàng tháng, hàng quý tổ chức gặp mặt trên biên giới, giao ban trao đổi tin tức, tình hình, hoạt động của tội phạm về ma túy liên quan đến hai biên giới với lực lượng chức năng nước bạn Lào để trao đổi thông tin, có kế hoạch phối hợp ngăn chặn từ ngoại biên. |
Qua đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã tư vấn về nghiệp vụ, chuyên môn cho các bạn Lào. Nhờ đó, chất lượng, hàm lượng nghiệp vụ trong tổ chức đấu tranh chuyên án, giải quyết yêu cầu vụ án, nhất là năng lực mở rộng điều tra các vụ án về ma túy của lực lượng chức năng phía Bạn đã được nâng lên rõ rệt. Được biết, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La, hàng năm Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các đơn vị trong công tác phòng chống tội phạm. |
Điển hình như tội phạm vận chuyển ma túy qua biên giới, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái… Qua đó, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát được thực hiện liên tục. Đặc biệt, lực lượng biên phòng đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát biên giới. “Các địa bàn trọng điểm đối diện biên giới Việt Nam mà phức tạp về ma túy được chúng tôi tăng tần suất tuần tra, tuần tra song phương với lực lượng Lào, tuần tra đơn phương cùng với các lực lượng tại địa phương như dân quân tự vệ, công an các xã vùng biên” - Đại tá Bàn Văn Chanh thông tin. |
Bộ đội Biên phòng Sơn La xác định rõ, mọi mặt trận bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cũng như trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Dân là "cột mốc sống', là tai mắt để giúp đỡ cho Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và phòng chống các loại tội phạm. |
“Để dân hiểu, dân chia sẻ và dân cộng tác với mình thì việc đầu tiên phải tuyên truyền. Ở khu vực biên giới đồng bào ít có điều kiện đi học, nhận thức còn hạn chế, nói một lần không hiểu, cán bộ biên phòng phải nói nhiều lần”- Đại tá Bàn Văn Chanh nhấn mạnh và nói: Ở đây công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào khu vực biên giới được lực lượng biên phòng làm rất tốt. Chúng tôi trực tiếp đến từng gia đình khu vực biên giới để tuyên truyền, hướng dẫn bà con tăng gia, sản xuất. Đa phần các hộ dân đều ở cách xa nhau, nhiều khi để đến được 2 hộ dân, cán bộ biên phòng phải đi cả ngày đường, vì mỗi hộ ở một quả núi, đường vào thì khó khăn, hiểm trở. |
Đối với các hộ dân giáp biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La giao cho cán bộ, mỗi cán bộ phụ trách vài hộ gia đình hàng ngày thường xuyên bám, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất minh để cảm hoá, giáo huấn họ về phía mình, để họ cộng tác, giúp đỡ mình. Trường hợp không tiến bộ thì áp dụng biện pháp nghiệp vụ để quản lý, theo dõi, nếu phát hiện có dấu hiện bao che, tiếp tay hoặc tham gia thực hiện tội phạm về ma tuý thì kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đại tá Bàn Văn Chanh cho hay, để tuyên truyền đến bà con, mình phải cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất với dân, mình hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng cây trên đất dốc để phát triển kinh tế, hỗ trợ giống, hỗ trợ tìm hiểu thị trường tiêu thụ, giá cả cho sản phẩm nông sản giúp bà con… |
Đặc biệt là các chương trình: Thầy giáo quân hàm xanh, Con nuôi Đồn Biên phòng, Nâng bước em đến trường… đã tạo sự gần gũi và tin yêu của dân, mọi vấn đề trên biên giới bà con đều chia sẻ với mình. Đây là phên dậu lòng dân nơi biên giới. Nhờ đó, công tác nắm bắt tình hình ở khu vực biên giới đặc biệt là tại các điểm nóng về ma túy được được kiểm soát từ sớm, từ xa, từ ngoài biên giới. Từ những nguồn tin ban đầu, lực lượng nghiệp vụ kịp thời báo cáo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để phân tích, tổng hợp, đưa ra nhận định, đánh giá sát đúng với diễn biến tình hình. Trên cơ sở đó, tổ chức bố trí, sử dụng lực lượng, phượng tiện, kỹ thuật, động vật và biện pháp nghiệp vụ phù hợp để kịp thời phát hiện, theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. |
Bài 2: Bộ đội Biên phòng Sơn La và cuộc chiến sinh tử chống ma túy ----- |
Nội dung: THU HƯỜNG-ĐỨC LÂM Đồ hoạ: HÀ HƯƠNG |