Với gần 200 km đường cao tốc, Quảng Ninh trở thành tỉnh có đường cao tốc dài nhất Việt Nam, những tuyến cao tốc này sẽ mở rộng “cánh cửa” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. |
Quảng Ninh với đặc điểm địa hình kéo dài là một khó khăn không nhỏ cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong vùng, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế rất lớn. Hiểu được điều này, tỉnh Quảng Ninh đã dồn lực, huy động tối đa nguồn lực của xã hội, đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của vùng, để từ đó ra sự đột phá, mở ra không gian phát triển mới. Mở đầu là tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đã giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Hạ Long chỉ còn 1,5 tiếng thay vì 3-4 tiếng trên quốc lộ 18, quãng đường từ Hạ Long tới Hải Phòng giảm 2/3, xuống còn 25km. Phát biểu khi cắt băng khánh thành thông xe toàn tuyến, Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định công trình là minh chứng cụ thể nhất cho tư duy dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Cũng từ đây nhiều khu nghỉ dưỡng, công nghiệp, khu kinh tế ven biển như Quảng Yên, Vân Đồn đã được kết nối thu hút nhiều nhà đầu tư có tiếng tìm về. Bốn tháng sau khi cao tốc Hạ Long- Hải Phòng hoàn thành, đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn thông xe, mở ra một không gian phát triển đầy hứa hẹn. Cao tốc này dài gần 60 km, có tổng mức đầu tư khoảng 12 nghìn tỷ đồng, rút ngắn thời gian Hà Nội - Vân Đồn xuống chỉ còn khoảng 2,5 tiếng. Tiếp đó, dự án cao tốc nối Vân Đồn với thành phố biên giới Móng Cái được triển khai và thông xe trong ngày 1/9 và - trở thành “mảnh ghép” cuối cùng tuyến đường cao tốc xương sống của tỉnh Quảng Ninh. |
Đây là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với 3 sân bay quốc tế (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn); hệ thống cảng biển và logistics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Một chuyên gia kinh tế ví von, “khi mảnh ghép cuối cùng này được hoàn thành, mọi người có thể ăn sáng ở Hà Nội, buổi trưa ngắm biển Trà Cổ, nơi cách thủ đô hơn 270 km”. |
Thực tế khi tuyến đường đang được thi công thì nhiều nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án dọc hai bên cao tốc, nhiều địa phương sẽ đồng loạt triển khai các siêu dự án, các Khu công nghiệp, Khu kinh tế với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Sự phát triển của hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch phát triển nhanh chóng. |
Đáng ngạc nhiên hơn, với tinh thần không dùng ngân sách của Trung ương, chỉ xin cơ chế, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình nhằm thu hút và kết hợp nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, trong đó có sự tham gia mạnh mẽ của tư nhân. Cuối cùng hình thức PPP đã được chọn, hình thức này đã giúp tỉnh Quảng Ninh giảm được áp lực chi cho đầu tư các dự án công trình lớn và có điều kiện dành nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là nguồn lực dành cho đảm bảo an sinh xã hội. Để thu hút được các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thay đổi tư duy, thuê các đơn vị tư vấn uy tín nước ngoài để lập ra bảy quy hoạch chiến lược với phương châm “có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư”. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã linh hoạt trong việc sử dụng phương pháp “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Như tại dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25 km, nhà đầu tư xây cầu Bạch Đằng, tỉnh đầu tư phần đường dài 19,8 km; tại dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 59,6 km, nhà đầu tư bỏ vốn xây 53 km, ngân sách tỉnh đầu tư 6 km; tại dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,2 km, nhà đầu tư bỏ tiền xây 63,5 km, ngân sách tỉnh đầu tư 16,7 km. Không những thế, công tác giải phóng mặt bằng cũng là một điểm sảng ở Quảng Ninh. Điển hình với chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từ tháng 7/2022. Theo đó, toàn bộ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được huy động, Mặt trận Tổ quốc làm nòng cốt; cấp ủy, chính quyền các địa phương có tuyến cao tốc đi qua bám dân, bám cơ sở để tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận, tự nguyện bàn giao mặt bằng sớm cho chủ đầu tư. Nhờ đó 1.168 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh quy mô dự án và tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng, góp phần đưa chiến dịch về đích trước 50% thời gian so với kế hoạch. |
Với quan điểm "3 không" (không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm), Quảng Ninh đã sớm nhận định được những mâu thuẫn, thách thức, “nút thắt”… để tìm cách gỡ bỏ. Theo ông Nguyễn Xuân Ký –Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh: “Yếu tố tiên quyết chính là phải tạo dựng được niềm tin trong lòng dân. Muốn làm được điều đó, công khai phải luôn đặt lên hàng đầu, chứng minh cho dân thấy bằng chính hiệu quả của những dự án được triển khai và quyền lợi người dân không bao giờ bị bỏ lại”. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, Quảng Ninh là hình mẫu trong huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông. Thành công và kinh nghiệm của Quảng Ninh là tư liệu quý để các cơ quan Trung ương phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sớm thông qua nghị quyết để tạo cơ sở triển khai trên toàn quốc, là hình mẫu cần được nhân rộng. |
|
Quảng Ninh đang khẳng định vị thế mới, là địa phương đi đầu trong thúc đẩy liên kết vùng, liên kết quốc tế. Trong tương lai không xa, Quảng Ninh sẽ trở thành điểm giao thông trung chuyển, trung tâm logistics của Vùng và quốc gia, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN. Điều này phù hợp với bối cảnh khi nước ta đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. |
Thực hiện: Tiến Dũng - Thanh Vân |