Nhiều sản phẩm truyền thống của Lai Châu như lá tắm, thịt trâu, thịt lợn, chẩm chéo… đã được nâng tầm giá trị khi trở thành sản phẩm OCOP. |
Nâng tầm sản phẩm địa phương |
Chè cổ thụ Lai Châu có độ tuổi hàng ngàn năm, mọc rải rác khắp các cánh rừng nguyên sinh trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao từ 2000m - 2900m so với mực nước biển, thuộc các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè. Cây chè cao từ 10-20m, thân to rêu mốc cần mấy người ôm, tán nhỏ lá mọc tít trên cao, phân nhánh nhiều cành, số lượng hàng vạn cây, quanh năm sương mù bao phủ, mọc xen lẫn thảm thực vật và địa y vô cùng phong phú. Nếu không tinh ý thì không thể phát hiện ra được, chỉ khi những hoa chè rơi xuống mặt đất, người ta mới để ý và ngước lên nhìn thân chè khổng lồ. Chắt lọc tinh tuý từ đất trời, các sản phẩm chè Lai Châu có chất lượng rất tốt. Nhưng giống như nhiều sản phẩm địa phương khác, đầu ra của sản phẩm này vô cùng bấp bênh. Quyết tâm đưa sản phẩm chè đặc trưng địa phương ra thị trường, tạo dựng thương hiệu để nâng tầm giá trị, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường đã đầu tư, cho ra đời một sản phẩm chè thơm ngon nức tiếng. Khách thập phương từng uống loại chè này sẽ mãi không quên hương vị của loại chè có tên gọi thật mỹ miều "Đông phương mỹ nhân". Sở dĩ trà "Đông phương mỹ nhân" mang hương vị đặc trưng riêng có như vậy là bởi thứ trà này có sự "tham gia" sản xuất của rầy xanh. Chính loài côn trùng này đã tạo nên vị ngọt ngào của trà "Đông phương mỹ nhân". Nói cách khác, nếu không có sự tác động của loài côn trùng này thì không có được thứ trà "Đông phương mỹ nhân" thơm ngon nức tiếng, được nhiều người mến mộ đến vậy. Theo đó, quy trình chế biến trà "Đông phương mỹ nhân" của Công ty chè Tam Đường khá độc đáo và phức tạp. Không sản xuất đại trà như một số sản phẩm chè khác, "Trà Đông phương mỹ nhân" chỉ có thể sản xuất vào cuối thu và đầu đông. Vào thời điểm này, trên các nương chè mới có sự xuất hiện của rầy xanh. Những búp chè bị rầy xanh hút nhựa, dần trở nên chai sần, từ đó kết tạo mật ngọt, tạo nên hương vị đặc trưng cho trà "Đông phương mỹ nhân". Đây cũng là minh chứng khẳng định độ an toàn, độ sạch và hữu cơ của vùng nguyên liệu. |
Đến nay, sản phẩm trà "Đông phương mỹ nhân", trà ô long của Công ty chè Tam Đường đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao và đầy tiềm năng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Một sản phẩm khác rất đặc trưng của Lai Châu chính là thảo dược. Tuy nhiên trước đây, sản phẩm chỉ được phân phối nhỏ lẻ đến khách du lịch khi đến với địa phương. Giá trị sản phẩm do đó chưa đạt xứng tầm. Để phát triển các dòng sản phẩm từ thảo dược địa phương, Hợp tác xã (HTX) Mí Dao ở khu 1, thị trấn Sìn Hồ đã chủ động tham gia vào Chương trình xây dựng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, HTX thường xuyên được cán bộ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện hỗ trợ, tư vấn lựa chọn sản phẩm và hướng dẫn chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu minh chứng nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… Đến nay, HTX Mí Dao đã có 5 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao; trong đó có những sản phẩm tiêu biểu rất được ưa chuộng trên thị trường như: thuốc tắm Mí Dao, đương quy khô Sìn Hồ, táo mèo khô Mí Dao… Bà Tẩn Mí Dao - Thành viên HTX Mí Dao cho biết: "HTX ra đời nhằm khôi phục lại nghề thuốc truyền thống của dân tộc Dao ở vùng cao Sìn Hồ, qua các dòng sản phẩm như: thuốc tắm, hoa quả, dược liệu khô, dược liệu chế biến sâu... Qua đó, giúp người dân trên địa bàn có việc làm, tăng thêm thu nhập. Trước xu thế khách hàng cần sản phẩm sạch, sản phẩm đặc trưng của địa phương, đơn vị đã tham gia chương trình OCOP để được chứng nhận sản phẩm đảm bảo chất lượng, từ đó giúp khách hàng yên tâm khi mua và sử dụng sản phẩm". |
Thịt trâu, thịt lợn gác bếp, khô bò, chẩm chéo… cũng là các sản phẩm đặc trưng của Tây Bắc. Song 4 sản phẩm này đã được Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV đầu tư, xây dựng thương hiệu thịt trâu, thịt lợn gác bếp, khô bò, chẩm chéo Tây Bắc TV. Từ đó, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao vào cuối đầu tháng 12/2022. Bà Khà Thị Hạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV cho biết: 4 sản phẩm của công ty được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP, đây là điều kiện thuận lợi cũng là cơ sở pháp lý để công ty cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường, từng bước nâng tầm giá trị sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ tìm đến sản phẩm ngày càng nhiều hơn. |
Giá trị cao từ sản phẩm OCOP |
Trên đây là một số các dòng sản phẩm OCOP đặc trưng rất được ưa chuộng của tỉnh Lai Châu. Triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 158 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, các chủ thể đã nỗ lực không ngừng để tạo ra sản phẩm chất lượng và nâng tầm giá trị sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. 158 sản phẩm OCOP của tỉnh rất phong phú và đa dạng và hầu hết đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của từng địa phương. Từ nhóm thực phẩm như: gạo, quả, sản phẩm chế biến từ thịt, cá đến các sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khoẻ (mật ong, cao dược liệu, đông trùng hạ thảo, trà), sản phẩm du lịch và thủ công mỹ nghệ. Qua đó, thu hút được nhiều khách hàng đến Lai Châu thăm quan, mua sắm. |
Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, các đơn vị luôn sử dụng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng; cùng với đó nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. Đồng thời, tích cực quảng bá sản phẩm qua các kênh mạng xã hội. Đơn cử, Công ty Cổ phần Truyền thông và Thương mại dịch vụ Tây Bắc TV tập trung làm video, youtube, tiktok… hoặc phát livestream trực tiếp. Thông qua sản xuất các video trực quan sinh động giới thiệu sản phẩm, livestream bán hàng trực tiếp trên các nền tảng xã hội đã giúp cho công ty tiếp cận nhanh nhất với thị trường. Qua đó, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập đảm bảo cuộc sống cho gần 100 lao động tại địa phương. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua khảo sát đánh giá sơ bộ, doanh số sau khi được công nhận sản phẩm OCOP của các chủ thể, các sản phẩm tăng trưởng bình quân trên 10%, đặc biệt có những sản phẩm tiêu thụ hàng năm tăng trên 4 lần, như: sản phẩm bánh chưng gù Hoàng Thanh của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Mường Cang, sản phẩm đương quy khô Sìn Hồ của HTX Mý Dao, sản phẩm hoa actiso sấy Sìn Hồ của HTX Nông sản Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ, sản phẩm chuối tươi Tam Đường của Công ty TNHH Thương mại Lai Châu... |
Việc có được sản phẩm với giá trị cao là một trong những yếu tố quan trọng kích thích người dân tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, sản lượng sản phẩm và khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng. |
Hỗ trợ mạnh cho sản phẩm OCOP |
Để hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP địa phương, ông Vương Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, 11 sản phẩm 4 sao. Đồng hành với chủ thể của các sản phẩm, các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Hội nghị hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó, kết nối các chủ thể có sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh; phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trong cả nước. Có thể kể đến như các sản phẩm trà, hạt mắc-ca khô, mật ong, gạo dâu, thịt trâu sấy khô, thịt hun khói, ruốc cá hồi, chuối sấy giòn, đông trùng hạ thảo, thuốc chữa bệnh gan A Súa, mật ong và một số sản phẩm dược liệu… |
Trong quá trình xây dựng, phát triển và nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hỗ trợ cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp mắt. Triển khai kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh để hỗ trợ nguồn vốn cho các chủ thể OCOP có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất; đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại trong quá trinh chế biến sản phẩm. Cho đến nay, hầu hết các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đã nhận được hỗ trợ theo chính sách này. Cụ thể, hỗ trợ một lần chi phí để hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm các cấp theo quy định, mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ một lần 100% chi phí thiết kế, in, mua bao bì, nhãn mác sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng các cấp, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ tối đa 60% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và nhà kho, nhà xưởng, mức hỗ trợ từ 200-500 triệu đồng tuỳ vào đối tượng thụ hưởng là hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, HTX… Bằng sự chung sức của doanh nghiệp và địa phương, tin rằng, sản phẩm OCOP Lai Châu sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới. |
Phương Lan - Linh Chi
|