Cùng với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển… với vai trò là lực lượng nòng cốt, Hải quân Việt Nam trở thành điểm tựa giữa biển khơi, giúp ngư dân vươn khơi bám biển.
Điểm tựa giữa biển khơi Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới thường xuyên chịu nhiều thiên tai, khắc nghiệt. Do vậy, ngoài thực hiện chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, Quân chủng Hải quân thường xuyên tổ chức các lực lượng, tàu trực trên các vùng biển để kịp thời tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện bị nạn. Có thể khẳng định, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các vùng biển của cả nước đã kịp thời có mặt cứu hộ khi ngư dân gặp nạn, phối hợp tổ chức tư vấn, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, trao tặng cờ Tổ quốc, phao cứu sinh, đèn đi biển cho ngư dân. |
Các chiến sỹ ở đảo Song Tử Tây tiếp nhận quà từ đất liền với nụ cười "tỏa nắng" |
Đến thăm đảo Song Tử Tây, Trung tá Đào Xuân Nam - Chỉ huy trưởng Đảo Song Tử Tây chia sẻ với phóng viên, từ năm 2023-5/5/2024, đảo Song Tử Tây đã khám và phát thuốc cho quân, dân trên đảo và ngư dân là 1.580 lượt trong đó ngư dân là 218 lượt, thu dung và điều trị là 77 lượt và cấp cứu 12 lượt là dân, ngư dân. Cũng theo Trung tá Đào Xuân Nam, thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, những năm qua chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến ngư dân về vị trí, vai trò của biển đảo Việt Nam, nắm chắc các nội dung chính của Luật Biển Việt Nam và các quy định khi đánh bắt, khai thác hải sản trên các vùng biển, qua đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Còn tại Đảo đá Tây A, với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo… các cán bộ, chiến sỹ trên đảo còn thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phòng chống cháy nổ và giúp đỡ ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển. |
|
Bộ đội Biên phòng Trường Sa cùng với lực lượng hải quân trao tặng cờ Tổ quốc, quà và ảnh Bác Hồ cho ngư dân ở quần đảo Trường Sa |
Cụ thể năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, đảo Sinh Tồn đã cấp cứu và điều trị cho quân dân trên đảo và ngư dân, hướng dẫn cho 128 lượt chiếc tàu cá và 2.044 ngư dân vào trú tránh bão an toàn, sửa chữa 12 tàu cá các loại, tạo sự niềm tin và yêu mến của ngư dân trong hành trình vươn khơi bám biển. Là đơn vị đóng quân trên đảo Trường Sa Lớn, Đồn Biên phòng Trường Sa có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cùng với lực lượng hải quân, Bộ đội biên phòng Trường Sa cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là vấn đề chống khai thác hải sản trái phép IUU theo Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đồng thời, cùng với Bệnh xá - Trung tâm y tế Đảo Trường Sa mà lực lượng nòng cốt là các y bác sỹ Bệnh viện Quân y của 175, Bộ đội biên phòng Trường Sa đã tổ chức cấp cứu cho hàng trăm lượt ngư dân bị tai nạn, bị bệnh trên biển, hỗ trợ nhu yếu phẩm, nước ngọt cho ngư dân để ngư dân có thể yên tâm vươn khơi, bám biển. |
Trung tá Nguyễn Hồng Lam – Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa cho biết: Năm 2023 và quý 1/2024 đơn vị đã kiểm tra, kiểm soát được 1978 phương tiện với 9.170 thuyền viên, đồng thời tuyên truyền và phát tờ rơi cho 356 lượt phương tiện với 1.431 thuyền viên về các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của ngư dân được nâng lên, chấp hành tốt các quy định của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, mỗi dịp Tết đến xuân về, Đồn cũng đã phối hợp với các lực lượng trên đảo tổ chức thăm tặng quà cho các hộ dân đóng trên đảo, cho các ngư dân tổ chức đón Tết ở đảo Trường Sa, mỗi phần quà trị giá trên 2 triệu đồng gồm có bánh kẹo, thịt heo, bánh trưng, mì tôm và nhu yếu phẩm… |
|
Âu tàu ở đảo Trường Sa lớn và đảo Đá Tây và các hoạt động hỗ trợ ngư dân tại Trung tâm dịch vụ Nghề cá. |
|
Máy bay của Không quân Việt Nam đưa lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra thăm quân, dân ở Trường Sa (năm 2013). |
Cũng theo anh Tâm, những năm qua công tác dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây đã từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng ngàn con tàu của bà con ngư dân đánh bắt khai thác trên vùng biển Trường Sa - Nhà giàn DK1, các dịch vụ ưu tiên, ưu đãi mà công ty thực hiện đến với bà con ngư dân đã mang lại niềm tin, là chỗ dựa vững chắc, là địa chỉ tin cậy cho những con tàu ra khơi, khai thác đánh bắt dài ngày trên biển. Anh Tâm cho biết, Trung tâm có nhà máy nước đá, kho lạnh, kho đông, có xưởng cơ khí được trang bị một số máy hàn, khoan, tiện, phay bào để phục vụ công tác sửa chữa tàu bè, trang thiết bị thông tin liên lạc, cùng các bồn chứa nhiên liệu dầu-DO, hầm chứa nước ngọt 4.000m3 phục vụ đời sống của cán bộ công nhân viên trên đảo, hỗ trợ, giúp đỡ cho các lực lượng bảo vệ đảo, xây dựng đảo và cung cấp nước ngọt miễn phí cho tàu thuyền của bà con ngư dân khi đến với đảo. Chỉ tính riêng trong năm 2023 và quý 1 năm 2024, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã tiếp nhận cung ứng hơn 382.686 lít dầu Diesel và cung ứng hơn 31 tấn lương thực, thực phẩm, cung cấp hơn 142.222 cây đá và 2.890m3 nước ngọt miễn phí. Đồng thời, Trung tâm đã sửa chữa và lai dắt 45 tàu thuyền hư hỏng. Theo anh Tâm, đã có nhiều trường hợp tàu của ngư dân hỏng nặng đã được Trung tâm sửa chữa kịp thời. Đơn cử như đầu năm 2023 có một tàu cá của tỉnh Khánh Hòa bị gặp nạn ở đảo An Bang, hệ thống máy móc của tàu không thể hoạt động đã được tàu Kiểm ngư lai dắt và kéo về âu tàu đảo Đá Tây và được sửa chữa tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá. ‘Đây là sửa chữa lớn, ở trong bờ nhiều đơn vị còn không thực hiện được nhưng Trung tâm đã sửa chữa thành công, các chiến sỹ trên đảo và bà con rất vui vì giữ được tài sản giúp ngư dân tiếp tục ra khơi, bám biển’ - anh Tâm tự hào kể. |
Trung tá Lê Ngọc Nam - Chính trị viên đảo Đá Tây A cho biết: Trung tâm dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây là công trình dân sự, có ý nghĩa về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng trên biển. Có dịch vụ cung ứng sẽ duy trì sự có mặt thường xuyên của lực lượng tàu dân sự hoạt động trên vùng biển Trường Sa; khai thác tốt nguồn tài nguyên xa bờ, giảm mật độ khai thác gần bờ, tạo điều kiện cho việc tái tạo môi trường sinh vật biển, tăng sản lượng khai thác hải sản, tăng sản phẩm xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế biển theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Ở Trường Sa, trung bình mỗi năm có có gần chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, có năm còn nhiều hơn nữa, đây chính là những hiểm nguy đối với những ngư dân và người lính ở Trường Sa. Chính vì lẽ đó mà Trường Sa luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ đất liền. |
Xem tiếp bài 4: Gặp những thiên thần áo trắng nơi sóng nước Trường Sa |
----------------------------------- Nội dung: THU HƯỜNG Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC |