Sau gần 2 thập kỷ, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lần thứ 14, đạt mức 2,34 triệu đồng kể từ ngày 1/7/2024. Đây là tin vui đối với hàng triệu người lao động trong khu vực công và những người hưởng chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, nỗi lo về giá cả thị trường lại hiện hữu, đặt ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo mức lương mới thực sự nâng cao đời sống người dân.
(Ảnh minh hoạ: xaydungchinhsach.chinhphu.vn). |
Đợt tăng lương lần này được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thu nhập, tạo động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động. Nhiều người lao động, nhất là công chức, viên chức, đã chờ đợi điều chỉnh này bởi mức lương hiện tại chỉ đáp ứng được nhu cầu cơ bản. Mức tăng khoảng hơn 30% mang đến niềm vui cho nhiều người.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mỗi lần tăng lương cơ sở, giá cả thị trường cũng tăng theo, khiến người dân lo ngại về khả năng chi tiêu. Điều này được minh chứng qua 14 lần tăng lương cơ sở trong vòng 20 năm qua. Tại phiên thảo luận về tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát để đảm bảo hiệu quả của chính sách tăng lương.
(Ảnh: Minh Anh). |
Để ngăn chặn tình trạng "té nước theo mưa", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg, yêu cầu các Bộ ngành tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ rà soát, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý. Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê để đánh giá tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và kiểm soát lạm phát cũng được chú trọng.
Cùng với việc kiểm soát giá cả, các bộ ngành, địa phương được yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, bất ổn thị trường.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn Thành phố tăng 5,32% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Sau đợt tăng lương, dự đoán giá một số mặt hàng có khả năng tăng theo, chủ yếu là hàng xa xỉ phẩm, ảnh hưởng đến một nhóm nhỏ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bài toán về thuế TNCN cũng khiến người lao động lo lắng. Luật Thuế TNCN hiện hành chưa được sửa đổi, dẫn đến việc giảm trừ gia cảnh để tính thuế không được điều chỉnh. Điều này khiến mức thu nhập thực tế của nhiều người lao động không tăng lên đáng kể, làm mất đi ý nghĩa của chính sách tăng lương.
Tăng lương là một động thái tích cực, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với đời sống người lao động. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát lạm phát và điều hành giá cả. Nếu không có giải pháp đồng bộ, tình trạng "lương tăng, giá cũng tăng" sẽ tiếp tục diễn ra, khiến người dân không được hưởng lợi thực sự từ chính sách.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN cũng là vấn đề cần được ưu tiên để đảm bảo người lao động được hưởng trọn vẹn mức lương tăng. Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này, việc tăng lương mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.