Phá đường dây cá độ bóng đá, mua bán số đề quy mô 2.000 tỷ đồng Thanh Hóa: Bắt giữ 27 đối tượng hoạt động "tín dụng đen" và tổ chức đánh bạc |
Mua bán số lô, đề nở rộ "chợ" mạng
Thời gian qua trên các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng đã tìm cách lôi kéo người dân đánh bạc bằng hình thức bán số lô, đề. Đáng chú ý, nhiều đối tượng còn công khai rao bán số lô, đề trên mạng xã hội với cam kết trúng 100%.
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ cần gõ cụm từ chơi lô, đề trên thanh công cụ tìm kiếm như Facebook, Zalo... nhiều hội nhóm mua bán, tư vấn số lô, đề sẽ xuất hiện với hàng chục nghìn thành viên. Đáng chú ý, khi truy cập vào những hội nhóm này, rất nhiều tài khoản còn công khai đăng tin, livestream rao bán, chia sẻ kinh nghiệm đánh trúng lô đề, xổ số chuẩn xác.
Các đối tượng đăng bài quảng cáo, mời chào người chơi mua lô, đề trên mạng xã hội |
Phản ánh tới Vuasanca , bà N.T.L trú quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, mấy ngày trước bà được một bạn nhân viên gọi điện giới thiệu là làm việc tại công ty xổ số có tên tuổi trên thị trường nên những số lô, đề được bên công ty chia sẻ xác suất trúng là 99%. Người này cũng khẳng định sẽ hoàn trả toàn bộ phí nếu số bị trượt.
“Người này còn công khai mức giá bán số đề như dàn số đề có giá 15 triệu đồng; lô xiên có giá khoảng 10 triệu đồng; lô bạch thủ là 5 triệu đồng, người chơi chỉ cần chuyển tiền mua số đến tài khoản xxx, sau đó sẽ được nhận được "con số” may mắn” – bà N.T.L cho hay.
Tin lời người này, bà N.T.L đã chi 10 triệu đồng để mong kiếm vận may. Song theo bà N.T.L., sau khi gửi tiền người này nhắn cho bà mấy con số rồi lặn mất tăm. Và tất nhiên, vận may cũng không tới, bà N.T.L. đành “nín lặng”.
Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, Công an các đơn vị, địa phương liên tục triệt phá các các ổ, nhóm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng xã hội trong đó có các đối tượng hoạt động theo phương thức “Lừa đảo bán số lô số đề”.
Cụ thể, mới đây, Công an tỉnh Ninh Bình đã triệt phá đường dây đánh bạc bằng hình thức sử dụng mạng xã hội để mua bán số lô, số đề và cho vay lãi nặng. Trước đó, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Ninh Bình cũng phát hiện trên địa bàn huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) có đường dây đánh bạc bằng hình thức sử dụng mạng xã hội để mua bán số lô, số đề và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Hay như một trong những vụ việc điển hình, tháng 3/2022, Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện và bắt giữ 12 đối tượng do Nguyễn Văn Minh (SN 1995), trú tại thôn Ngọ Xá, xã Tân Phương, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội cầm đầu đã sử dụng các tài khoản Facebook, Zalo đăng tải cùng một nội dung có thể cung cấp và bán số lô, số đề Xổ Số Kiến Thiết Miền Bắc và Miền Nam. Qua đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn bị hại trên phạm vi cả nước với số tiền lên đến hơn 3 tỷ đồng.
Trước thủ đoạn của loại tội phạm này càng tinh vi, mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phát đi cảnh báo hình thức lừa đảo mới này. Cục cũng khuyến cáo về những nguy hiểm tiềm ẩn mang tên “cho số” đánh lô, đề trên mạng xã hội có thể gây thiệt hại lớn về tài sản nếu người dân không cảnh tỉnh.
Hành vi cho số, bán kết quả xổ số trước giờ mở thưởng đều bị coi là phạm pháp |
Trường hợp mua, bán số đề bị xử lý ra sao?
Nhiều độc giả băn khoăn, đối với trường hợp những người mua, bán số đề sẽ bị xử lý ra sao? Trao đổi với Vuasanca về các mức xử phạt đối với trường hợp bán số lô, đề, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hình thức cho số đánh lô, đề trên mạng xã hội thực chất là một hành vi lừa đảo mới xuất hiện, chủ yếu tập trung vào những đối tượng “ham” làm giàu, trông chờ vào sự may mắn và những giải thưởng có giá trị vật chất lớn.
Thủ đoạn mà các đối tượng thực hiện trước hết là tiếp cận khách hàng thông qua nhiều hình thức, quảng cáo về việc cung cấp số lô, số đề may mắn có khả năng trúng thưởng lớn. Sau đó sử dụng các câu chuyện thành công, chứng cứ giả và những lời tán tụng để tạo niềm tin và thuyết phục người khác rằng họ có khả năng đưa ra các số lô, số đề chính xác. Khi có sự tin tưởng từ “con mồi”, các đối tượng yêu cầu đóng một khoản phí trước để nhận được các số lô, số đề may mắn.
Trong trường hợp số lô, số đề được cung cấp không trúng thưởng, người chơi sẽ mất khoản phí đã đóng cho các đối tượng; còn trong trường hợp trúng thưởng, đối tượng sẽ yêu cầu phải chia "hoa hồng", hoặc trả một phần tiền thưởng cho mình dưới danh nghĩa đã cung cấp các số lô - số đề may mắn.
Như vậy từ những thông tin trên cho thấy, việc các đối tượng đưa ra thông tin sai sự thật, để người chơi tin là thật và đồng ý chuyển một khoản phí để được cung cấp số lô, số đề có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những thông tin mà các đối tượng đưa ra về việc có khả năng đưa ra các số lô, số đề chính xác, cũng như những thông tin giả về những câu chuyện thành công đều là những thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền tài sản của người khác mà còn vi phạm quy định Điều 18 Luật An ninh mạng liên quan đến phòng chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, và phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, và an toàn xã hội.
Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi và thiệt hại về tài sản mà hành vi vi phạm gây ra, người thực hiện hành vi có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể: Đối với hành vi cho số lô, đề trên mạng xã hội bằng nhiều thủ đoạn gian dối khác nhau để chiếm đoạt tài sản, người thực hiện hành vi này đã vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng và bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
Trong trường hợp xác định số tiền chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự như: đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản; đã bị kết án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc một số các tội danh khác thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu quy định tại Bộ luật hình sự mà không được xóa án tích và vẫn tiếp tục vi phạm; gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì những người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, giá trị số tiền chiếm đoạt càng lớn, thì khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội càng cao. Mức phạt cao nhất đối với tội danh này lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội cũng có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01-05 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh đó, theo luật sư Tiền, đối với những nạn nhân dùng tiền để đánh lô đề theo những con số mà các nhóm lừa đảo cung cấp cũng có thể bị coi là hành vi đánh bạc trái phép. Do đó, người mua số đề tùy vào tính chất, hậu quả của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể: Đối với xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi mua số lô, đề có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi đánh bạc trái phép, đồng thời bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được từ việc đánh lô, đề.
Trong trường hợp xác định số tiền mà những người này dùng để chơi lô đề từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc hành vi gá bạc; số tiền hay hiện vật dùng chơi lô, đề trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý hình sự về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc hành vi gá bạc, chưa được xóa án tích mà lại tiếp tục chơi lô, đề thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc theo quy định tại Điều 321 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu số tiền dùng để đánh bạc từ 50.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội có thể phải đối diện với mức hình phạt tù từ 03 đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Thông qua vụ việc, Luật sư cũng khuyến cáo, hình thức lừa đảo cho số lô đề trên mạng xã hội không phải mới nhưng vẫn rất nhiều người bị “mắc bẫy”, dẫn đến bị thiệt hại về tài sản, thậm chí, đã có trường hợp người mua số lô đề bị khởi tố về tội Đánh bạc.
Vì vậy, theo luật sư Tiền để tránh tiền mất tật mang, người dân cần phải nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và phải cảnh giác trước những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cho số lô đề online. Nếu phát hiện các đối tượng này, cần trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn, phòng tránh hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung, tình trạng lừa đảo qua cho số lô đề online thì cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên không gian mạng.