Chứng khoán ngày 31/5: Cách thức giao dịch khi dòng tiền tăng mạnh? Chứng khoán ngày 1/6: Chỉ số VN-Index hướng lên vùng tâm lý 1.100 điểm |
"Loạn" lớp đào tạo chứng khoán
Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều tổ chức, cá nhân tự nhận là chuyên gia đào tạo chứng khoán, có kinh nghiệm đầu tư trên thị trường, thường xuyên livestream trên các kênh mạng xã hội. Họ liên tục chào mời nhà đầu tư tham gia các hội nhóm trên Facecbook, Zalo, Telegram. Qua đó, họ chào mời tham gia các lớp học trên zoom mạng xã hội, thậm chí là mở lớp công khai.
Điều đáng nói, hầu hết các lớp đào tạo chứng khoán đều tự phát, không được kiểm duyệt chất lượng. Do đó ai cũng có thể trở thành thầy, cũng có thể nhận học viên, mở lớp đào tạo và thu học phí. Giá mỗi khóa học cũng đa dạng vô cùng, rẻ thì vài triệu đồng, thậm chí có những khóa học lên đến vài trăm triệu đồng.
Đa số những "giảng viên" này đều không có bằng cấp hay chứng chỉ sư phạm, chứng chỉ liên quan lĩnh vực chứng khoán. Kiến thức giảng dạy được họ chắt lọc trên mạng hay vài ba cuốn sách. Sau đó họ vẽ ra những phương pháp với những cái tên mỹ miều để thu hút học viên, mục đích là để thu được nhiều học phí.
Hàng loạt các khóa học được quảng cáo trên mạng xã hội |
Các lớp học tự phát chủ yếu tìm học viên qua quá trình truyền thông, quảng cáo bài bản. Theo đó, khi bài quảng cáo về lớp học, chuyên gia được đưa lên mạng đều được đội ngũ sử dụng tài khoản ảo để bình luận, nói tốt về thầy. Ví dụ như phương pháp đầu tư của thầy rất hiệu quả, tài khoản lãi đậm nhờ sự chỉ dẫn của thầy...
Một vấn đề khá nhức nhối là khi lớp đào tạo chứng khoán chỉ là "phiễu" để hút khách hàng vào các hội nhóm tư vấn đều tư, hội "lùa gà", "lái giá cổ phiếu". Nhiều thầy còn dụ dỗ học viên vay kho margin để dùng đòn bẩy tài chính cao hơn. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ được hưởng lợi về phí giao dịch tại các công ty chứng khoán.
Nghiêm trọng hơn, đã không ít nhà đầu tư đã nghe theo thầy, ký hợp đồng hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư... cùng thầy, công ty của thầy để mua bán cổ phiếu và nhận được "cái kết đắng".
Chị Nguyễn Thị H. (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) cho biết, qua một thông tin quảng cáo giới thiệu về thầy Q.D trên Facecbook. Chị thấy thầy này chia sẻ kiến thức rất ấn tượng, chị đã đọc kỹ từng bình luận, thấy nhiều người khen thầy dạy hay, nhiều người đạt được hiệu suất đầu tư cao khi được thầy chỉ dẫn, kèm theo đó là những ảnh chụp tài khoản có lãi từ 30-200%, nên chị đã bỏ ra số tiền 20 triệu đồng để đi học.
Sau đó, chị H. còn nghe theo thầy, ký hợp đồng ký quỹ kho margin (cá nhân, tổ chức cho vay đòn bẩy tài chính cao không thuộc công ty chứng khoán) để đầu tư một số tiền lên đến 750 triệu đồng. "Chỉ trong thời gian ngắn thị trường xuống dốc, cộng thêm việc sử dụng margin cao, tài khoản của tôi đã "bốc hơi" nhanh chóng. Sau đó, thầy Q.D còn khuyên tôi bổ sung thêm tiền vào tài khoản để đợi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, tôi đã không thể xoay sở được thêm nữa", chị H. nhớ lại.
Theo tìm hiểu, có những người nổi tiếng trên mạng xã hội còn có những mức giá đào tạo với giá cao chót vót. Giai đoạn 2020-2021, khi thị trường chứng khoán sôi động, thầy A. được cộng đồng mạng tung hô như là "vĩ nhân" khi nói về các cổ phiếu bất động sản. Thầy A. đi đến diễn đàn nào cũng nói về cổ phiếu CEO, DIG, L14. Ban đầu, nhiều nhà đầu tư nghe theo thầy nên cũng kiếm được khá nhiều tiền từ những cổ phiếu trên.
Qua đó, tiếng tăm của thầy A. càng nổi. Thời kỳ hoàng kim, có thời điểm, mỗi khóa học của thầy A. có giá 200 triệu đồng vẫn đông nghịt người đến học. Tuy nhiên, sau này có những học viên tham gia lớp học trên đều cho rằng, những buổi học đó cũng chẳng khác gì những chia sẻ của thầy A. trên mạng xã hội, đều nói về tiềm năng của những cổ phiếu bất động sản, nổi bật là cổ phiếu DIG, CEO, L14.
Trong cơn say của thị trường "uptrend", khi thầy nói quá nhiều về các cổ phiếu trên, các học viên và nhiều nhà đầu tư khác cũng mua vào với số lượng lớn hơn, đẩy giá các cổ phiếu liên tục thiết lập đỉnh mới.
Đến giai đoạn đầu năm 2021, thị trường chứng khoán bắt đầu "thoái trào" sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất ở Thủ Thiêm, thị trường chứng khoán lao dốc, các cổ phiếu bất động sản cũng "rơi xuống vực thẳm". Nhiều cổ phiếu bị mất 80-90% giá trị, hàng loạt các nhà đầu tư mua cổ phiếu theo thầy A. cũng bị mất sạch tài khoản, thậm chí gánh nợ, đến hiện nay vẫn còn phải "còng lưng" trả lãi.
Cần biện pháp mạnh tay hơn
Dư luận cho rằng, vấn đề đào tạo hiện nay đang quá nhức nhối, đặc biệt là về chất lượng dạy và học. Đây là vấn đề đáng báo động, trong khi thị trường chứng khoán hiện Việt Nam mới đang là thị trường cận biên và đang phấn đấu lên thị trường mới nổi.
Trước thực trạng "bát nháo" của các lớp đào tạo chứng khoán trên, dư luận cho rằng, cần phải có chế tài quản lý mạnh hơn nữa để quản lý chặt chẽ hơn.
Cụ thể, những người được xem là thầy đứng trên lớp giảng cũng cần phải đáp ứng về tiêu chuẩn đạo đức cũng như phương pháp đào tạo bài bản. Do đó, thây dạy cũng phải được cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới được phép mở lớp.
Đặc biệt, giảng viên tham gia đào tạo phải được cấp chứng chỉ do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (SRTC) cấp. Đây là đơn vị duy nhất được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận cấp Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực Chứng khoán.
Khi giảng viên đào tạo về khía cạnh nào của thị trường chứng khoán đều phải có chứng chỉ rõ ràng. Cụ thể, đào tạo kiến thức về môi giới phải được cấp Chứng chỉ hành nghề Môi giới chứng khoán; đào tạo về phân tích tài chính thì phải được cấp Chứng chỉ hành nghề Phân tích tài chính; đào tạo về đầu tư quỹ thì phải được Chứng chỉ hành nghề Quản lý quỹ.
Do đó, nếu các cá nhân, đơn vị mở lớp đào tạo không đúng các quy định của pháp luật, không có nghiệp vụ sư phạm, không có chứng chỉ liên quan thì mà gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thì cần được xử lý nghiêm, đủ sức răn đe.
Dư luận cho rằng, chỉ có những chế tài đủ sức răn đe, công tác quản lý và hậu kiểm nghiêm ngặt thì công tác đào tạo về đầu tư chứng khoán mới thật sự hiệu quả. Theo đó mới tạo ra những nhà đầu tư có kinh nghiệm, góp phần giúp cho thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.