Cơn bão số 4 – bão Noru vừa đi qua phần đất liền thấp phía Nam của Philippines và tiến vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông.
Trong những ngày qua, người dân các tỉnh miền Trung được dự đoán chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4 – bão Noru đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó với cơn bão như gia cố nhà cửa, thu dọn các đồ vật dễ hư hỏng bởi gió bão. Tàu thuyền vào bờ tìm nơi trú ẩn và tiến hành sơ tán trú bão theo hướng dẫn của địa phương.
Vị trí bão Noru vào hồi 13 giờ ngày 26/9. |
TS. Nguyễn Ngọc Huy - Chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai đã đưa ra dự báo mới nhất về cơn bão số 4 - bão Noru, rằng siêu bão Noru sẽ tiếp cận đất liền vào khoảng 23h ngày 27/9 và duy trì hoạt động liên tục 4 tiếng trong đất liền (khu vực được dự báo là Quảng Ngãi. Quảng Nam và Đà Nẵng sau đó đến Huế và Tây Nguyên).
“Tâm bão được dự báo đi vào địa phận tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên do bão lớn nên khu vực Quảng Ngãi và Đà Nẵng cũng được xác định là vùng ảnh hưởng mạnh nhất của tâm bão. Khi vào đất liền bão có thể đi chếch theo hướng Tây Bắc. Vì vậy, ngoài Quãng Nam, Quãng Ngãi nơi có bão đổ bộ thì Đà Nẵng và Huế sẽ ảnh hưởng lớn bởi gió mạnh khi bão quét qua. Các tỉnh Bắc Tây Nguyên đề phòng gió lớn và mưa hoàn lưu rất lớn” – TS. Nguyễn Ngọc Huy nhận định.
Tại khu vực thành phố Đà Nẵng, chuyên gia nhận định đây sẽ là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão Noru; thời gian chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru là từ chiều 27/9 đến ngày 28/9, trọng tâm từ đêm 27/9 đến ngày 28/9.
“Vùng biển Đà Nẵng từ trưa chiều ngày 27/9 đến gần sáng 28/9, gió sẽ tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16-17. Trên đất liền, bão số 4 khả năng bắt đầu gây gió mạnh đạt cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13. Do ảnh hưởng của dải hội nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ hoạt động mạnh, nối với bão Noru nên từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, tại thành phố Đà Nẵng xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng; có mưa, mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Trọng tâm mưa tập trung từ đêm 27 đến ngày 28/9, đặc biệt lưu ý trong thời đoạn đêm đến sáng ngày 28/9” – chuyên gia nhận định.
Cùng với đó, chuyên gia còn cho rằng, từ ngày 27-29/9 có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ các sông từ khu vực Đà Nẵng, kèm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi. Nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ do mưa tại vùng trũng thấp và ven sông suối khu vực các quận, huyện thuộc thành phố. Có nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ biển, hư hỏng các công trình như đê, kè ở khu vực ven biển. Đặc biệt là các vị trí ven biển, ven sông và khu vực đồi núi.
TS. Nguyễn Ngọc Huy - Chuyên gia biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai |
TS. Nguyễn Ngọc Huy cho biết, đây là cơn bão rất lớn và có phạm vi ảnh hưởng rộng. Những nhà cấp 4 lợp tôn, ngói ở ven biển và vùng thấp sẽ không an toàn với cơn bão này.
Đồng thời, chuyên gia khuyến cáo người dân cần sơ tán theo lệnh sơ tán của chính quyền địa phương. Thời gian hoàn tất việc sơ tán nên hoàn thành trước 16 giờ chiều ngày 27 tháng 9. Người dân ven biển các tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tới Phú Yên, một phần phía Bắc tỉnh Khánh Hòa nhanh chóng tìm nơi tránh trú an toàn (như các nhà bê tông kiên cố, ở vùng không ngập lụt). Nên sơ tán tại chỗ sang nhà hàng xóm hoặc nhà kiên cố gần nhất đề phòng nguy cơ nhà ngói và nhà lợp tôn bị tốc mái, tường gạch yếu sẽ bị đổ khi tâm bão đi qua.
“Người dân tuyệt đối không ở lại trên thuyền và lồng bè ven biển. Không đi ra ngoài đường khu vực được dự báo có bão vào từ khung giờ 21h ngày 27/9 cho đến khi bão tan. Chú ý tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống trong 4-5 ngày đề phòng có lụt ngay sau bão. Đảm bảo luôn sạc đầy các thiết bị thông tin liên lạc, đèn pin”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo.
TS. Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo rằng: Các địa phương ngoài việc đảm bảo an toàn cho người dân cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng ứng phó bão. Tất cả các lực lượng phải hoàn thành công tác chuẩn bị và sơ tán trước 15h chiều ngày 27/9, và rút về các địa điểm an toàn trước 19h tối ngày 27/9 cho đến khi có thông báo bão tan.
Người dân miền Trung đang khẩn trương ứng phó đối với cơn bão số 4 - bão Noru. |
Nhằm hướng dẫn người dân chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi siêu bão Noru ảnh hưởng trực tiếp vùng ven biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin diễn biến của bão, mưa lũ để chủ động phòng tránh.
Theo đó, cần giữ liên lạc giữa tàu thuyền và đất liền, đưa tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi trú tránh an toàn. Tuyệt đối không ở trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ.
Cùng với đó, người dân nhanh chóng khẩn trương gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây. Bảo vệ lồng bè, tài sản, gia súc, gia cầm, tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.
Đặc biệt, xác định vị trí an toàn để trú ẩn, chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn hoặc vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng. Đồng thời lưu giữ các số điện thoại cứu hộ cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp. Tuân thủ chỉ đạo của chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan chức năng.