Giải pháp căn cơ cho chăn nuôi heo tại Đồng Nai |
Gần 1 năm nay, dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Vina-Lâm Đồng do Công ty TNHH NASIĐÔ chịu trách nhiệm triển khai tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) phải dậm chân tại chỗ. Hàng chục héc ta đất dự án không thể thu hồi giao cho doanh nghiệp vì huyện buông lỏng quản lý để người dân xâm lấn. Thay vì giao đất sạch cho dự án, UBND huyện Bảo Lâm lại bắt doanh nghiệp tự đi thoả thuận với người dân để thu hồi. Thực trạng "trên rải thảm, dưới rải đinh" đang khiến cho dự án này gặp bế tắc, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.
Diện tích đất UBND tỉnh Lâm Đồng giao thực hiện dự án trang trại nuôi heo công nghệ cao đã bị người dân xâm chiếm, trồng cà phê. |
Giao đất trên giấy
Ngày 1/9/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2246 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trang trại nuôi heo công nghệ cao Vina-Lâm Đồng. Ngày 24/9/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án này trên diện tích đất 42,45 ha, tại thôn 13, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Mục tiêu của dự án xây dựng trang trại chăn nuôi heo hiện đại, thân thiện với môi trường, quy mô 4.300 heo nái sinh sản và 10.000 heo hậu bị/năm, cung cấp sản phẩm heo hướng nạc, an toàn cho người tiêu dùng, tạo việc làm cho 200 lao động, góp phần tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Dự án có tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng khoảng 20 tỷ đồng (hiện đã được chủ đầu tư điều chỉnh tăng lên 60 tỷ đồng).
Thế nhưng gần 1 năm nay, dự án này vẫn dậm chân tại chỗ vì không có đất để xây dựng. Ông Nguyễn Tiến Mạnh, đại diện công ty triển khai dự án cho biết: Trên cơ sở những văn bản pháp lý và tiến độ thực hiện dự án đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, thì quý cuối năm 2021, chủ đầu tư sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đất đai; và đầu năm 2022 sẽ tiến hành xây dựng hạ tầng của dự án. Thế nhưng đến nay, công tác hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án đang gặp phải nhiều vướng mắc, mà nguyên nhân là UBND huyện Bảo Lâm thiếu quyết liệt, lúng túng trong khâu hỗ trợ doanh nghiệp thu hồi đất. Không có đất triển khai dự án nên hằng trăm heo giống nhập về, công ty phải thuê đất xây trại tạm để chờ. Mỗi tháng tiền thuê đất, chuyên gia chăm sóc đàn heo doanh nghiệp phải chi trả từ 1,6 đến 2 tỷ đồng.
Ngày 20/7/2022, làm việc với ông Lê Quang Khải, công chức địa chính xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm được biết, trong tổng diện tích 42,45 ha đất UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho công ty triển khai dự án có tổng cộng 47 hộ dân đang lấn chiếm sử dụng, chủ yếu trồng cà phê và dựng 10 căn nhà, chòi rẫy. Số hộ dân này lấn chiếm trong giai đoạn 2010-2016, khi UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty TNHH Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh thuê triển khai dự án đầu tư trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng.
Về diện tích 40,44 ha đất thuộc quy hoạch ngoài lâm nghiệp mà UBND tỉnh giao cho dự án trang trại nuôi heo công nghệ cao Vina-Lâm Đồng, theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri: Tại thời điểm bàn giao đất cho Công ty TNHH Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh vào năm 2010, thì hiện trạng gồm: Đất có rừng là rừng tự nhiên 21,4 ha; đất trống chưa có rừng 18,6 ha; đất người dân lấn chiếm đang sản xuất nông nghiệp là 0,44 ha. Tại kết quả rà soát, bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý vào năm 2018, thì toàn bộ diện tích trên người dân đã lấn chiếm sản xuất nông nghiệp. Theo Quyết định số: 503/QĐ-UBND, ngày 8/3/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng “Về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch sử dụng đất”, thì 40,44 ha đất trên thuộc quy hoạch ngoài lâm nghiệp do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý.
Nhiều nhà ở kiên cố đã được người dân xây dựng trên đất xâm chiếm |
Huyện có làm khó doanh nghiệp?
Dự án trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Vina-Lâm Đồng tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại khoản 2, mục II, phần A – Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”.
Trên cơ sở dự án được phê duyệt, ngày 28/10/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số: 7725/UBND-ĐC “Về việc chấp thuận ranh giới, diện tích đất để thực hiện dự án trang trại nuôi heo công nghệ cao Vina-Lâm Đồng”. Theo đó, diện tích 42,45 ha đất UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho đơn vị triển khai dự án có một phần thuộc TK 614, thôn 13, xã Lộc Ngãi; trong đó có 40,44 ha thuộc quy hoạch ngoài lâm nghiệp và 2,01 ha đất quy hoạch lâm nghiệp.
Do là đất lấn chiếm từ đất rừng, nên tại thông báo số: 85/ TB-UBND, ngày 14/4/2022, về Kết luận của đồng chí Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tại buổi kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Bảo Lâm, đã chỉ rõ: “Giao UBND huyện Bảo Lâm chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá toàn bộ quá trình lấn chiếm, sử dụng đất trong phạm vi ranh giới Dự án Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư; phối hợp với nhà đầu tư trong công tác hỗ trợ, di dời, giải phóng mặt bằng để đưa đất vào sử dụng theo đúng mục đích đã được cấp (hoàn thành trước tháng 6/2022). Trường hợp người dân không thống nhất việc hỗ trợ, di dời, giải phóng mặt bằng thì UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng lập hồ sơ, thủ tục thu hồi đất theo Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 để quản lý, sử dụng theo quy định”.
Như vậy, chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng trong giải phóng mặt bằng diện tích đất giao cho đơn vị triển khai dự án là rất rõ ràng. Nhưng, UBND huyện Bảo Lâm lại cho rằng dự án này không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất, mà doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với các hộ dân trong việc bồi thường, hỗ trợ cây trồng, công trình trên đất đối với diện tích 40,44 ha thuộc quy hoạch ngoài lâm nghiệp.
Hàng chục ha rừng đã bị mất do chính quyền buông lỏng quản lý |
Trước quan điểm của UBND huyện Bảo Lâm trong thu hồi 40,44 ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp, đang do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý, và 47 hộ dân đã lấm chiếm sử dụng, Luật sư Huỳnh Tho, Luật sư phân tích: Trước hết phải khẳng định về nguồn gốc diện tích đất này là đất rừng. Năm 2010 đã thực hiện giải tỏa trước khi giao cho Công ty TNHH Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh thuê theo Quyết định số: 1226/QĐ-UBND ngày 4/6/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Và đến ngày 10/7/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số: 1516/QĐ-UBND, “Về việc thu hồi đất đã giao cho Công ty TNHH Kỹ thuật nhựa Khang Thịnh thuê tại xã Lộc Ngãi”, bàn giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý. Như vậy, ở đây chủ quản lý đất là Ban Quản lý rừng phòng hộ Đạm B’ri, chứ không phải 47 hộ dân lấn chiếm và tái lấn chiếm. Vì vậy, trong trường hợp này, việc thu hồi đất phải được thực hiện theo Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 là tuân thủ đúng quy định pháp luật. Việc UBND huyện Bảo Lâm yêu cầu chủ dự án phải thỏa thuận đền bù với 47 hộ dân đã vô hình chung tiếp tay cho hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh đại diện chủ đầu tư chia sẻ: Mặc dù biết việc doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù cho số hộ dân đang lấn chiếm đất dự án là không đúng. Nhưng, để dự án không thể tiếp tục chậm tiến độ, chủ đầu tư dự án đã tích cực trong thực hiện các yêu cầu của UBND huyện Bảo Lâm, như cam kết tài chính, thuê đơn vị tư vấn để lập phương án, đồng thời tổ chức gặp gỡ thỏa thuận với các hộ dân, nhưng không có kết quả, mặc dù kinh phí hỗ trợ đã tăng gấp 3 lần so dự toán ban đầu. Chúng tôi đề nghị UBND huyện Bảo Lâm lập tổ công tác xây dựng phương án đề xuất cho doanh nghiệp biết phải hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ cho ai, hỗ trợ như thế nào để doanh nghiệp có cơ sở triển khai và báo cáo UBND tỉnh.
Thiết nghĩ, UBND huyện Bảo Lâm cần phải xác định lại nguồn gốc 40,44 ha đất hiện tại để hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác lập phương án hỗ trợ, di dời, giải phóng mặt bằng triển khai dự án theo đúng nội dung tại Thông báo số: 85/ TB-UBND, ngày 14/4/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Tránh tình trạng "trên trải thảm, dưới lại rải đinh", tỉnh chỉ đạo nhưng địa phương không làm, để doanh nghiệp tự "bơi" khi về đầu tư dự án.