Thông tin với báo giới Nga, ông Novak cho hay, Trung Quốc và Ấn Độ trở thành đối tác chính của các công ty dầu mỏ Nga.
“Một nửa lượng dầu thô và sản phẩm dầu khí của Nga xuất khẩu trong năm 2023 được bán cho Trung Quốc, trong khi mức nhập khẩu của Ấn Độ trong 2 năm qua cũng tăng mạnh để chiếm tới 40%”, Phó Thủ tướng Nga nói.
Theo ông Novak, sự thay đổi đối tác cung cấp là do lệnh cấm vận của châu Âu đối với nguồn cung dầu bằng đường hàng hải của Nga có hiệu lực vào ngày 05/12/2022, đồng thời việc áp mức trần giá dầu cũng gây ảnh hưởng.
Trước đó, có thông tin cho rằng trong tháng 11, nguồn cung dầu hàng ngày từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mức kỷ lục 400 nghìn thùng/ngày, chiếm 14% tổng lượng xuất khẩu của Nga. Động thái này được quan sát thấy trong bối cảnh có những khó khăn nhất định đối với hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, nơi sau khi thắt chặt sự kiểm soát của Mỹ đối với việc thực hiện trần giá dầu.
Nga thừa nhận nguồn cung dầu sang châu Âu giảm 10 lần |
Theo số liệu của hãng dịch vụ tài chính LSEG và các hãng buôn, Thổ Nhĩ Kỳ tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD chi phí năng lượng trong năm 2023 nhờ nhập khẩu dầu và các sản phẩm xăng dầu từ Nga. Trung Quốc và Ấn Độ cũng nhập khẩu nhiều xăng dầu từ Nga hơn Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vì Thổ Nhĩ Kỳ nằm gần các cảng của Nga nên tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển hơn. Số liệu của LSEG cho thấy, Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 13 triệu tấn sản phẩm dầu khí trong thời gian từ tháng 1-11 năm nay.
Trong khi đó, liên quan đến việc EU nhập khẩu khí đốt của Nga, dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan cho hay, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga xét về cả đường ống và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
“Việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga ổn định ở mức 2-2,5 tỷ m3 vào tháng 9 năm ngoái. Châu Âu đã gặp may mắn về thời tiết trong hai năm qua. Cả phía tây lục địa Á-Âu và phía đông lục địa đều không xảy ra hiện tượng thời tiết lạnh bất thường. Các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương không sử dụng nguồn cung LNG và thậm chí còn lợi dụng nhu cầu cao của EU để bán lại một lượng LNG nhất định cho các quốc gia châu Âu”, ông Alexey Grivach, Phó Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Grivach, xuất khẩu LNG của Nga sang EU thậm chí có thể tăng vào năm 2024. Hầu như toàn bộ khí tự nhiên hóa lỏng từ Bán đảo Yamal của Nga và khu vực Biển Baltic đã được cung cấp cho EU trong hai năm qua.
“Phần lớn sẽ phụ thuộc vào các sự kiện chính trị và thời tiết, cũng như khả năng các công ty Nga triển khai xuất khẩu LNG từ dây chuyền đầu tiên của nhà máy LNG-2 ở Bắc Cực bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Nếu LNG-2 ở Bắc Cực đi vào hoạt động thương mại, Nga có thể sẽ là quốc gia có trữ lượng nguồn cung LNG lớn nhất cho châu Âu”, ông Grivach nhận định.