Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Cần một tầm nhìn xa, tiếp cận đúng Thị trường trong nước: Luôn là trụ đỡ vững vàng |
Xuất khẩu nông lâm thủy sản lần đầu tiên lập kỷ lục, đạt 48,6 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 khiến ngành nông nghiệp chao đảo, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Song, ngành nông nghiệp đã linh hoạt tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để thúc đẩy xuất khẩu, mở cửa thị trường. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48,6 tỷ USD, tăng 15% so năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Nhóm 10 mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2021 đạt khoảng 15,8 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngành hàng này chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước, đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và nằm trong Top 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Tại Hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp đánh giá rất cao các kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm qua. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần tháo gỡ trong năm tới.
Phát biểu tại Hôi nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021 là năm đầy rẫy những khó khăn thách thức với cả nước. Ngành nông nghiệp vốn dễ bị tổn thương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lại càng khó khăn bởi đặc tính thời vụ, mặt khác lại bị đứt gãy bởi rất nhiều chuỗi cung ứng cả về vật tư, phân bón, chuỗi lao động. Dịch Covid-19 lại bùng phát mạnh đúng thời điểm thu hoạch nên việc tiêu thụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu hết sức khó khăn. Sức mua tại thị trường giảm. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả ngoạn mục, và có bước nhảy vọt trong ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận các hình thức thương mại cả trong nước và quốc tế.
“Vẫn còn những khó khăn thách thức, khi những ngày qua, tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, vẫn còn ùn ứ hàng nghìn container nông sản… Nhưng ngành nông nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thể hiện vai trò "trụ đỡ", góp phần ổn định xã hội trong bối cảnh đại dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngành nông nghiệp vẫn còn thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu bàn tay điều phối liên kết vùng và xác định các sản phẩm chủ lực mà chủ yếu vẫn sản xuất theo tập quán mà chưa tiếp cận được những đòi hỏi của thị trường, nhất là tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.
“Xưa nay, vẫn xác định thị trường Trung Quốc là chủ yếu và xuất khẩu theo tiểu ngạch. Tuy nhiên, hiện thị trường Trung Quốc đã đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe. Do đó, nếu tiếp tục sản xuất theo tập quán mà không mạnh mẽ tiếp cận các yêu cầu của thị trường nhập khẩu thì sẽ rất khó khăn”, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Mặt khác, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm nông nghiệp nhìn chung chưa cao. Đặc biệt, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.
Để phát huy được thành tựu và khắc phục được các hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, trước mắt cần giải bài toán làm sao tiêu thụ không chỉ gần 5.000 container nông sản đang ùn ứ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc mà còn lượng nông sản rất lớn đang còn ở các vùng sản xuất. Để giải bài toán này, thời gian vừa qua Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã giao thiệp tích cực với phía Bạn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Để hướng tới việc “khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các ngành sản xuất nông nghiệp phải có quy hoạch, kế hoạch, xác định rõ thị trường trước khi triển khai sản xuất. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ ngành, trong đó có ngành Công Thương trong phát triển ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp nhất là trong các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến. Cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng cũng như chương trình xúc tiến thương mại hướng đến xuất khẩu nông sản theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân phối nông sản trên nền tảng số, thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường phối hợp với các Bộ ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại và xử lý thật tốt các tranh chấp thương mại, các vụ kiện trong thương mại quốc tế tạo thêm sân chơi cho các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Về phía Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Đất đai, trước mắt tái khởi động Đề án thí điểm tích tụ đất đai trong nông nghiệp, nếu không có tích tụ đất đai thì không thể sản xuất hàng hóa nông nghiệp được. Đồng thời, đưa cơ chế đầu tư nhiều hơn để các ngành, các địa phương và Bộ NN&PTNT có cơ hội chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình tổ chức sản xuất cũng như chế biến và xuất khẩu. Trao thêm quyền cho Bộ NN&PTNT trong vai trò điều phối liên kết các vùng miền, xác định sản phẩm chủ lực để có thể phát triển nông nghiệp bền vững.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Cao Chí Công - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện cho ngành gỗ được tiêm vắn xin Covid-19, vật tư y tế với chi phí hợp lý và sớm nhất. UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập khẩu gỗ vào Việt Nam, tránh tình trạng nhập khẩu trái phép. Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải có chính sách hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa. Bộ Ngoại giao chú trọng vào thị trường Mỹ, EU, Anh để thông tin kịp thời chính sách, cảnh báo rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước.
Trong lĩnh vực trái cây, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) - cho biết, dư địa xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều. Hiện nay, nhiều khách hàng tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Israel sẵn sàng đặt hàng số lượng lớn nếu chúng ta có những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong khi đó, với điều kiện đất đai thổ nhưỡng thuận lợi, Việt Nam có nhiều vùng có thể trồng nhiều loại cây rau quả ôn đới phục vụ cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản như Tây Bắc, Tây Nguyên.
Để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị, kết hợp việc xuất khẩu rau quả tươi và sản phẩm chế biến, ông Đinh Cao Khuê đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến sâu nhiều loại, đa dạng sản phẩm chế biến trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay từ 8 - 10 năm để các doanh nghiệp có thời gian trồng, chế biến, xuất khẩu nông sản.
Cần nhìn thẳng sự thật, không để 'trụ đỡ' đất nước thụt lùi trong năm 2022
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt gần 50 tỷ USD, thành công trên đạt được là do ngành nông nghiệp bám sát tình hình thực tiễn, chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện các giải pháp; đồng thời có nhiều đổi mới, sáng tạo để nâng tầm giá trị của ngành qua các thời kỳ.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng ngành nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng của ngành mà vẫn còn thụ động, phụ thuộc thị trường, thời tiết…; công tác dự báo về thị trường, biến đổi khí hậu còn những mặt hạn chế. Ngành cũng chưa chủ động phát triển, thích ứng linh hoạt với diễn biến mới. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường, nếu thay đổi thì chúng ta lúng túng, bị động. Một số sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu mang tính quốc tế.
“Nói đến hoa lan chúng ta nhớ ngay đến Thái Lan, hoa tuylip thì nghĩ ngay tới Hà Lan, còn cà phê thì nghĩ ngay tới Brazil. Cũng như xuất khẩu gạo, Việt Nam đạt được 3 tỷ USD nhưng nhập khẩu ngô, đậu tương chúng ta chi 7 - 8 tỷ USD. Đất nước nông nghiệp phải giải quyết bài toán này”, Thủ tướng dẫn chứng.
Mặt khác, ngành nông nghiệp chưa có cơ chế, chính sách, đột phá thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đời sống của một bộ phận nông dân, vùng sâu, vùng xa, hải đảo còn khó khăn. Thủ tướng yêu cầu, cần đánh giá kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân, hạn chế, khắc phục hạn chế trong năm 2022. “Cái gì thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ phải làm, cái gì thuộc thẩm quyền Bộ NN&PTNT thì cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh và phải giải quyết rốt ráo”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Bước sang năm 2022, Thủ tướng cho biết nhiều dự báo cho thấy vừa có thuận lợi nhưng cũng có thời cơ, thách thức. Chúng ta phải xác định rằng năm 2022 sẽ khó hơn 2021 để chúng ta tập trung chọn việc, chọn vấn đề, cân đối nguồn lực thời gian tổ chức cho tốt.
Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy, nâng cao tầm hoạch định chiến lược, tổ chức chiến lược thiết thực, hiệu quả. Muốn làm như vậy, ngành nông nghiệp cần đặt mục tiêu tăng trưởng 3% trở lên, xuất khẩu phải hơn 50 tỷ USD - nếu đặt 49 tỷ USD thì dậm chân tại chỗ - không thể thụt lùi.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp bám sát tình tình thực thế để cụ thể hóa những đường lối, chính sách, chủ trương về nông nghiệp, sau đó xác định trọng tâm trọng điểm cụ thể và có lộ trình thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh sản phẩm bằng cách đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, không nên chỉ phụ thuộc vào 1 - 2 thị trường nhất định.
Cần nâng cao năng lực chế biến. Muốn sản xuất lớn rất cần quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ về thị trường, vốn cho người nông dân. Đó là chuỗi công việc để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch có giá trị cao, đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý. Theo đó, ngành nông nghiệp cần có lộ trình giải quyết những vấn đề này.