Việt Nam có đội ngũ nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) khá hùng hậu nhưng nhiều nghịch lý đang diễn ra khiến cho trình độ KHCN của các doanh nghiệp Việt Nam lạc hậu nhiều so với thế giới.
Đầu tư cho KHCN trong thời gian qua, nói nhiều thì cũng là nhiều, nói ít thì cũng là ít. Bởi lẽ so với thế giới thì đầu tư cho KHCN của Việt Nam thuộc loại thấp nhất nhưng tiền vẫn không xài hết, phải trả lại cho ngân sách nhà nước.
Kinh phí phí dành cho KHCN hiện ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước, với khoảng hơn 500 triệu đô la Mỹ cho năm 2010; trong đó nguồn huy động từ doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,2%.
Phần đầu tư ấy chủ yếu là cho các trường, viện, trung tâm nghiên cứu khoa học trung ương và địa phương, trong khi ở các doanh nghiệp, nơi có thể phát triển công nghệ lên đỉnh cao, lại rất hạn chế. Đó là một hình ảnh trái ngược với các quốc gia khác khi các doanh nghiệp của họ luôn có các hoạt động nghiên cứu - phát triển KHCN rất mạnh mẽ.
Giám đốc Sở KHCN TPHCM, ông Phan Minh Tân, cho biết tỷ lệ đầu tư cho KHCN của nhà nước ở các quốc gia khác là 30%, còn 70% từ các doanh nghiệp trong khi ở Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN còn rất thấp. “Sắp tới chúng tôi dự kiến sẽ tăng chi từ ngân sách của thành phố lên 20%, còn phần do các doanh nghiệp đầu tư sẽ tăng lên 30%”, ông Tân nói.
Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong thì so sánh, giai đoạn 2002 - 2005, chỉ riêng hãng Samsung (Hàn Quốc) đã chi đến 3,2 tỉ đô la Mỹ để đầu tư đổi mới công nghệ, còn ở Việt Nam, từ năm 2001-2005 các hoạt động KHCN có kinh phí chưa đến 1 tỉ đô la Mỹ.
Đầu tư thấp như vậy nhưng nghịch lý là số tiền hoàn trả trở lại ngân sách vẫn rất lớn vì không sử dụng hết. Nhiều chuyên gia cho rằng mô hình quản lý khoa học hiện nay chưa hợp lý, bất cập trong phân phối ngân sách, đầu tư dàn trải, đề tài trùng lắp, trong khi các công nghệ trọng điểm lại chưa được tập trung để tạo ra các sản phẩm chiến lược... đã khiến cho việc phát triển KHCN chưa được hiệu quả.
Hiện Việt Nam đang có khoảng 15.000 người làm việc trong các viện nghiên cứu, hưởng chế độ chi thường xuyên với số tiền lên tới khoảng 600 tỉ đồng/năm. Đó là chưa kể hơn 60.000 người giảng dạy trong các trường đại học, nhưng chỉ chưa đầy 3% trong số đó thực hiện nghiên cứu KHCN. Chính vì thế nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu và phát triển ở các trường đại học hiện rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 4% tổng thu, còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu tối thiểu là 15% tổng thu từ hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ trong các trường đại học vào năm 2010 và 25% vào năm 2020. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do các cán bộ nhà trường thường tự động chuyển giao công nghệ nên nhà trường thu không được bao nhiêu, trong khi các giảng viên lại giàu lên. |
Trong chương trình KHCN trọng điểm giai đoạn 2006-2010, ngân sách nhà nước chi 895.384 triệu đồng, ít hơn so với con số 927.004 triệu đồng của giai đoạn 2001-2005. Phần lớn số kinh phí này là chi trả công nghiên cứu cho các nhà khoa học, còn đầu tư máy móc thiết bị chỉ chiếm khoảng 19% và nguyên liệu chiếm khoảng 25%.
Riêng ở TPHCM, tổng chi ngân sách năm 2010 là 120.000 tỉ đồng, trong đó kinh phí dành cho KHCN khoảng 2.400 tỉ đồng nhưng không sử dụng hết. Riêng lĩnh vực công nghệ thông tin, Sở Thông tin - Truyền thông không năm nào giải ngân hết con số 100 tỉ đồng.
Thực trạng này ở các địa phương khác còn u ám hơn, khi nhiều nơi thiếu dự án, thiếu người thực hiện, nên số tiền phải hoàn trả ngân sách hàng năm rất lớn.
Một số địa phương đã cố gắng tìm các đề tài nghiên cứu, dù trùng lắp, dù không có ứng dụng, nhưng vẫn không thể tiêu hết số tiền được cấp.
Tính chung cả nước, hàng năm số tiền mà ngành KHCN phải hoàn trả ngân sách lên tới hàng trăm tỉ đồng, như năm 2006 là 321 tỉ đồng, năm 2007 là 125 tỉ đồng.
Theo PGS.TS. Trần Quốc Thắng, cán bộ cấp cao của Văn phòng Các chương trình KHCN trọng điểm, hiện nay tư duy của đội ngũ các nhà khoa học và các doanh nghiệp vẫn chưa “gặp nhau”. Trong khi các nghiên cứu của giới khoa học phần lớn cất trong tủ, thì các doanh nghiệp phải đi mua công nghệ của nước ngoài.
Để giải quyết một phần mâu thuẫn nói trên, ông Tân cho biết Sở KHCN TPHCM đề xuất thời gian tới sẽ yêu cầu các tổng công ty nhà nước trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và phát triển theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó các doanh nghiệp phải trích từ 5 - 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư đổi mới công nghệ.
Thứ trưởng thường trực Bộ KHCN Nguyễn Quân, trong một lần trao đổi với TBKTSG, đã cho biết bộ đang tập trung lấy doanh nghiệp làm trung tâm của nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Khi các nhà khoa học được giao đề tài nghiên cứu, thì yêu cầu cần có là đề tài có địa chỉ ứng dụng hay không, xuất phát từ nhu cầu của lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào, chứ không phải nghiên cứu những gì các nhà khoa học có thể làm được.
“Quan điểm của Bộ KHCN là nghiên cứu khoa học phải gắn với sản xuất, gắn với thị trường và chúng tôi yêu cầu các nhà khoa học sau khi được đánh giá nghiệm thu phải nộp kết quả của đề tài nghiên cứu cho Cục Thông tin công nghệ quốc gia. Bộ sẽ thành lập một cơ sở dữ liệu các kết quả nghiên cứu và xây dựng một sàn giao dịch trên mạng để các doanh nghiệp có thể tìm hiểu kết quả nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước”, ông Quân nói.
Theo TBKTSG