Cụ thể, đối với sản phẩm mứt nho của cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi, Sở Công Thương tỉnh ưu tiên hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ. Các hoạt động được triển khai gồm hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, các sự kiện kết nối cung - cầu giữa Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, để theo kịp xu hướng kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, Sở Công Thương tỉnh đã hỗ trợ cơ sở tham gia khóa tập huấn nâng cao nghiệp vụ tài chính và kỹ năng quản lý bán hàng trên facebook, thực hiện đề xuất cải thiện hệ thống kinh doanh hướng đến thương mại điện tử.
Ninh Thuận tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu |
Tương tự, sản phẩm yến lọ đường phèn của Công ty TNHH Yến lọ Ninh Thuận được tập trung hỗ trợ về mở rộng thị trường, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ.
Đối với sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống Quang Minh - Cà Ná loại thượng hạng 45 độ đạm, bên cạnh được hỗ trợ tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, hộ kinh doanh Quang Minh còn được trợ sức cải thiện sản xuất thông qua Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong quy trình chế biến nước mắm”. Trong năm 2021, hộ kinh doanh dự kiến được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn.
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Ninh Thuận, công tác hỗ trợ sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quốc gia với các hoạt động thiết thực, hiệu quả cao đã thu hút được sự tham gia của các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm CNNT tiêu biểu. Tuy nhiên, cũng theo Sở Công Thương Ninh Thuận, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, các địa phương hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người nên việc lựa chọn, thực hiện các nội dung xúc tiến thương mại phù hợp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm CNNT tiêu biểu gặp nhiều trở ngại.
Mặt khác, các cơ sở CNNT nói chung và cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu nói riêng có quy mô sản xuất nhỏ, khó khăn về vốn nên việc tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm cũng gặp khó khăn và một số cơ sở chưa thực sự quan tâm tham gia.
Cũng chính bởi hạn chế về mặt tài chính, quy mô nhỏ lẻ nên các cơ sở CNNT chưa đủ năng lực về vốn, đáp ứng điều kiện để được thực hiện tư vấn lập dự án đầu tư, mở rộng sản xuất, đảm bảo an toàn kiểm nghiệm… theo quy định hiện hành; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, xúc tiến đầu tư phát triển và xây dựng thương hiệu …
Với những khó khăn trên, Sở Công Thương Ninh Thuận kiến nghị nhiều nội dung tới các cơ quan thuộc Bộ Công Thương. Cụ thể, Bộ Công Thương ban hành cơ chế tài chính riêng để hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người lao động, khuyến khích các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu vươn xa ra thị trường thế giới.
Sở Công Thương Ninh Thuận cũng đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ quan tâm hướng dẫn các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong sản xuất, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Năm 2021, Ninh Thuận có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, các sản phẩm này sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển theo quy định hiện hành. |