Là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu của Ninh Thuận, gốm Bàu Trúc không chỉ nổi tiếng tại thị trường trong nước mà còn được đông đảo du khách biết đến với sự độc đáo, tinh tế... Tuy nhiên, đã có thời điểm, gốm Bàu Trúc khá khó khăn trong tiêu thụ do mẫu mã đơn giản, khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại.
Hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thủ công truyền thống |
Để tránh tình trạng mai một cho sản phẩm độc đáo này, người dân làng nghề đã nhanh chóng cải tiến mẫu mã, đưa thêm yếu tố hiện đại vào sản phẩm. Cùng đó là sự trợ sức của các ngành chức năng trên địa bàn, giúp làng nghề khởi sắc hơn.
Với ngành Công Thương, thông qua nguồn vốn khuyến công, xúc tiến thương mại, Sở Công Thương Ninh Thuận đã hỗ trợ đưa sản phẩm làng nghề tham dự nhiều hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; hội nghị kết nối cung – cầu, nhằm quảng bá rộng rãi, tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, Sở còn hỗ trợ cơ sở sản xuất đầu tư, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm.
Gốm Bàu Trúc chỉ là một trong số những sản phẩm thủ công truyền thống được Sở Công Thương Ninh Thuận hỗ trợ. Ngoài ra, có thể kể đến thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thổ cẩm Chung Mỹ và một số làng nghề sản xuất sản phẩm thế mạnh của địa phương như chế biến sản phẩm từ nho, hải sản…
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Ninh Thuận, thị trường tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp chưa ổn định. Hơn nữa, do nguồn kinh phí hạn chế, công tác hỗ trợ cũng chưa được thường xuyên, liên tục và phù hợp với nhu cầu của cơ sở, doanh nghiệp. Chất lượng sản phẩm chưa ổn định, giá thành cao ảnh hưởng tới sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của địa phương, 90% là các hộ sản xuất, quy mô nhỏ lẻ, máy móc lạc hậu và đặc biệt là thiếu vốn...
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Sở chủ động xây dựng nhiều giải pháp, trong đó có việc huy động nguồn vốn cho các hoạt động ưu tiên. Theo đó, tranh thủ tối đa nguồn vốn, kinh phí hỗ trợ khuyến công hàng năm và cân đối đủ nguồn kinh phí cho chương trình khuyến công; đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm để củng cố thị trường trong nước; tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua những chương trình hội chợ hàng công nghiệp nông thôn, kết nối cung - cầu, kết nối giao thương. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thế mạnh của tỉnh tìm hiểu, khảo sát thị trường nước ngoài, từ đó có những hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tư vấn ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ phù hợp để nâng cao năng lực sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả kinh doanh.
Giai đoạn 2014-2020, tổng kinh phí hỗ trợ để triển khai các hoạt động khuyến công của Ninh Thuận là trên 9,787 tỷ đồng, trong đó ưu tiên hoạt động xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp... |
|