Nông sản Hải Phòng: Thương hiệu nâng tâm giá trị
Táo Bàng La mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân |
Nhiều nông sản có giá trị cao
Được biết đến là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hải Phòng với hương vị đặc trưng, không thể trộn lẫn, từ nhiều năm trước đây, nước mắm Cát Hải đã được xây dựng hồ sơ để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu. Chính thức cấp bảo hộ nhãn hiệu từ năm 2011, giá trị sản phẩm này tăng khoảng 1.000 đồng/lít, ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Với sản lượng mỗi năm 5 triệu lít, giá trị gia tăng mà việc bảo hộ nhãn hiệu mang lại cho nước mắm Cát Hải rất lớn.
Nhờ trồng trên vùng đất xưa kia nổi tiếng với nghề làm muối, táo Bàng La vừa chua dịu lại ngọt thanh, giòn và mọng nước. Cuối năm 2014, táo Bàng La đã được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng công nhận là sản phẩm đặc thù của quận Đồ Sơn, được đưa đi giới thiệu tại các hội chợ. Có thương hiệu, giá táo tăng lên gấp 1,5 - 2 lần. Táo Bàng La cũng trở thành một trong những sản phẩm giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân Đồ Sơn.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, đến nay, tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ xác lập gần 40 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản như: Cá thu một nắng Đồ Sơn, táo Bàng La, vải thiều Bát Trang, dưa Vĩnh Bảo… Các sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu đều có giá trị cao hơn, được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Bảo đảm nguồn cung
Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong xây dựng thương hiệu, mang lại giá trị lớn cho sản phẩm, tuy nhiên, vướng mắc của việc xây dựng thương hiệu nông sản Hải Phòng hiện nay chính là cung không đủ cầu do sản xuất nhỏ lẻ.
Đơn cử, sản phẩm cá thu một nắng Đồ Sơn đã được chứng nhận bảo vệ thương hiệu tập thể do 22 hộ chung sở hữu từ năm 2016. Từ khi được bảo hộ, cá thu có nhãn mác được giới thiệu, quảng bá nhiều hơn, khách hàng cũng yên tâm về chất lượng hơn khi mua sản phẩm; tuy vậy, sản phẩm không đủ cung ứng cho thị trường. Những người làm nghề lâu năm ở Hải Phòng cho biết, nghề này có khoảng 30 năm nhưng lúc đầu, các hộ gia đình chỉ phục vụ nhu cầu gia đình. Sau này, do nhu cầu của khách du lịch và thị trường nên các hộ mở rộng sản xuất. Nhà nào làm cá có quy mô, uy tín thì sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó. Những dịp cao điểm như lễ, tết còn không đủ hàng để bán.
Để hỗ trợ cho nông sản Hải Phòng, Hội Nông dân phường Đồ Sơn (Hội Nông dân Việt Nam) đã hỗ trợ, giúp đỡ một số hộ chung sở hữu thương hiệu cá thu một nắng có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Khi có vốn, các chủ tàu sẽ cung cấp đủ nguyên liệu cho các cơ sở chung thương hiệu, giúp sản xuất bảo đảm an toàn, ổn định. Bên cạnh đó, các hộ sẽ xây dựng quy trình sản xuất cá thu một nắng và hệ thống lò sấy, đóng gói sản phẩm, giúp sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng sẽ đạt tiêu chuẩn cao hơn, sản phẩm bán được nhiều hơn.
Tương tự, để bảo vệ thương hiệu dưa vàng Tân Hưng, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hưng (Vĩnh Bảo) đã động viên bà con nông dân tham gia các hội chợ nông sản, chào sản phẩm tại chuỗi siêu thị, kêu gọi đầu tư hệ thống nhà kính, tưới tiêu để bảo đảm nguồn cung. Khi đó, tận dụng hỗ trợ từ việc có thương hiệu, các sản phẩm nông sản Hải Phòng sẽ nhanh chóng được đón nhận không chỉ tại Hải Phòng mà còn nhiều địa phương trên cả nước.
Ở Bàng La, với giá bán ban đầu khoảng 10.000 đồng/kg, khi xác lập được thương hiệu, từ đầu vụ đến những ngày giáp tết, nông dân luôn bán được táo giá cao từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. |